Analytic

Thành công của APEC Việt Nam 2017

APEC 2017 thành công trên mọi phương diện đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Sự tham dự đông đủ của các nhà lãnh đạo thể hiện sự quan tâm, coi trọng của khu vực và thế giới đối với Việt Nam và APEC. Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo động lực mới cho một tương lai chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Xem thêm

Năm của những con số kỷ lục

Tăng trưởng GDP đạt 6,81% vượt mục tiêu 6,7% và cao nhất từ 2011. Lần đầu tiên 13 chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch với nhiều kỷ lục như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 400 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 17,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối 51,5 tỷ USD, số doanh nghiệp thành lập mới gần 127 nghìn. Điều đặc biệt là cấu trúc tăng trưởng của nền kinh tế đang theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao.

Xem thêm

Đột phá về môi trường kinh doanh

Theo đánh giá của World Bank, xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 68/190, mức cao nhất trong 10 năm qua. Đây là sự ghi nhận những kết quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công thương đã tiên phong xóa bỏ 657 giấy phép con từ tháng 9. Trong ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân tại Hội nghị với doanh nghiệp 2017.

Xem thêm

Thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa mang về nguồn thu lớn cho ngân sách

Hãng bia ThaiBev của Thái Lan đã chi gần 5 tỷ USD để mua 53,4% cổ phần của Sabeco tạo nên thương vụ kỷ lục trên thị trường tài chính Việt Nam. Cùng với các đợt thoái vốn khỏi Vinamilk, ngân sách nhà nước thu về hơn 100 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động thoái vốn đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường chứng khoán giúp VNIndex tăng cao kỷ lục và đưa quy mô thị trường chứng khoán lên mức 56% GDP.

Xem thêm

Bão giảm giá ô tô và chiến lược “ngược dòng”

Giảm giá đã trở thành “cơn bão” trên thị trường ô tô trong năm 2017. Từ doanh nghiệp lắp ráp trong nước cho đến liên doanh và xe nhập khẩu đều không thể đứng ngoài cuộc, với mức giảm càng về cuối năm càng mạnh. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn giảm so với năm trước vì người tiêu dùng vẫn chờ đợi khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm còn 0% từ 1/1/2018 so với 30% hiện tại. Trong bối cảnh đầy thách thức này, Vingroup đã gây bất ngờ khi xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Việt VinFast.

Xem thêm

Đặc khu hành chính - kinh tế

Một trong những thay đổi đột phá trong quản trị quốc gia đã được nhen nhóm trong dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, mở ra cơ hội thành lập 3 đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với mô hình tổ chức khác biệt và các chính sách vượt trội, mục tiêu đưa các đặc khu trở thành những cực tăng trưởng mới. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM với kỳ vọng tạo sức bật cho đầu tàu kinh tế cả nước.

Xem thêm

Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành chủ đề được quan tâm nhiều nhất của người Việt Nam năm qua. Từ người dân, doanh nghiệp đến Chính phủ đều đang nhận rõ xu hướng công nghệ mới và ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh những lợi ích mang lại, không ít doanh nghiệp lo ngại những thay đổi căn bản về công nghệ sẽ tác động đến sự tồn vong của họ trong tương lai không xa. Trong ảnh, robot Morta phục vụ tại một quán cafe ở Hà Nội.

Xem thêm

Uber, Grab, Bitcoin và thương mại điện tử thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống

Khi một mô hình mới xuất hiện, chúng ta sẽ chọn chống lại hay xây dựng cho hợp hơn cho tương lai? Đó là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh một năm Uber, Grab khuấy động ngành dịch vụ taxi. Năm 2017 cũng chứng kiến đồng tiền bitcoin tạo nên cơn sốt và sự sôi động chưa từng có của thương mại điện tử. Sự phát triển, nở rộ của các mô hình kinh doanh phi truyền thống này đang đòi hỏi doanh nghiệp cũng như đơn vị quản lý cần phải có phương thức quản trị mới.

Xem thêm

Khủng hoảng lãnh đạo doanh nghiệp

Tin tức về việc khởi tố, bắt, cách chức lãnh đạo các doanh nghiệp dày đặc trên truyền thông trong năm qua. Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất đã bị khởi tố hình sự, kể cả những người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Đưa ra xét xử các đại án ngân hàng VNCB, GP Bank, cấm lãnh đạo ngân hàng làm lãnh đạo doanh nghiệp khác... Những sự việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tư duy quản trị và điều hành kinh doanh của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Xem thêm

Các dự án BOT bộc lộ nhiều sai phạm

Nhiều sai phạm tại các dự án BOT ở Hà Nội và TP.HCM đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện trong năm qua. Trong khi đó, tình trạng người dân phản đối xảy ra liên tiếp ở các trạm thu phí với đỉnh điểm là trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Điều này khiến cơ quan quản lý phải vào cuộc rà soát và đánh giá lại toàn bộ các dự án BOT cầu đường nhằm phát hiện các sai phạm để xử lý và khắc phục các bất cập của hình thức đầu tư này.

Xem thêm