3 lời hứa hão huyền về cây trồng biến đổi gen đang đánh lừa cả thế giới?

An Chi - 14:40, 21/05/2018

TheLEADERTheo bà Kartini Samon, đại diện Tổ chức Grain (Indonesia), cây trồng biến đổi gen không thể chấm dứt nạn đói trên thế giới, xóa bỏ hóa chất nông nghiệp và cho hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Biến đổi gen là một thành tựu của nền khoa học thế giới từ đầu những năm 1980, đây là phương pháp tạo ra giống cây trồng như mong muốn, tốn ít thời gian và có độ chính xác cao nhờ việc tác động trực tiếp vào việc thêm hoặc bỏ bớt gen vào giống cây trồng.

Cho đến nay, đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ biến đổi gen (GMO), đặc biệt là Mỹ, Trung quốc, Ấn Độ và ngày càng có nhiều thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự hiểu rõ thực phẩm biến đổi gen là gì và những ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ con người, môi trường cũng như hệ sinh thái.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Các bên liên quan về biến đổi gen” do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) tổ chức, bà Kartini Samon, đại diện Tổ chức Grain (Indonesia) đã chỉ ra những mặt trái của loại cây trồng này và lý do tại sao người dân nên duy trì giống bản địa thay vì sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen.

3 lời hứa hão huyền về cây trồng biến đổi gen đang đánh lừa cả thế giới?
Bà Kartini Samon

Theo bà Kartini, có ba “lời hứa hão huyền” về cây trồng biến đổi gen thường được các công ty giống cây trồng này quảng cáo đến dư luận. 

Thứ nhất là “thế giới cần cây trồng biến đổi gen để chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng".

Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là lời quảng cáo không có thật. Theo vị chuyên gia này, hiện chỉ có 26 quốc gia trên thê giới cho phép trồng thương mại giống biến đổi gen, chủ yếu để phục vụ nhu cầu công nghiệp, chưa có loại nào sử dụng để giải quyết vấn đề suy dịnh dưỡng được công khai.

Bà Kartini lấy vì dụ về giống gạo vàng tại Philippines, các nhà sản xuất đã làm gia tăng vitamin A trong lúa gạo do lấy gen từ ngô và các loại vi khuẩn khác. Lúc đầu sản phẩm này không được sử dụng cho con người, do đó, các vấn đề như giải quyết suy dinh dưỡng vẫn không được giải quyết.

Hơn nữa, 75% thực phẩm trên thế giới được sản xuất chỉ trong 25% diện tích đất đai. Như vậy, rõ ràng không cần đến cây trồng biến đổi gen, các quốc gia vẫn làm rất tốt vấn đề an ninh lương thực. 

Ngay tại Châu Phi, châu lục có nhiều nước đói nghèo cũng chỉ có ba quốc gia sử dụng GMO, thay vào đó là họ sử dụng nhiều giải pháp để giảm đói nghèo. Chính điều này cho thấy cộng đồng thế giới vẫn còn nhiều nghi ngại đối với các thực phẩm biến đổi gen này, bà Kartinni cho hay.

Về lời quảng cáo thứ hai của các doanh nghiệp GMO "cây trồng biến đổi gen sẽ xóa bỏ hóa chất nông nghiệp", bà Kartinni cho rằng, thực tế chỉ có một số ít các cây trồng biến đổi gen có khả năng kháng sâu bệnh, còn lại việc đưa vào sử dụng cây trồng biến đổi gen đang làm tăng khả năng kháng thuốc diệt cỏ, làm gia tăng sử dụng loại thuốc này trong nông nghiệp.

Tại Châu Mỹ - La Tinh, nơi đậu nành biến đổi gen được trồng trên diện rộng, việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã tăng vọt, đạt mức trên 550 lít/năm, gây ra hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe của những người dân nơi đây. Nguy hiểm hơn, nó còn làm cạn kiệt đất, dẫn đến phải dùng nhiều phân bón hơn.

Thứ ba là lời quảng cáo cho rằng cây trồng biến đổi gen có năng suất cao hơn, bà Kartini dẫn bài học rút ra từ trồng bông Bt ở Ấn Độ, Burkina Faso, Indonesia với những hậu quả mang tính tai họa.

Theo đó, tại Ấn Độ, bông Bt là nguyên nhân dẫn đên số vụ tự tử ngày càng tăng của nông dân do họ bị lâm vào nợ nần chồng chất vì năng suất bông thấp trong khi chi phí đầu vào cao do phụ thuộc hoàn toàn về giống và phân bón của các công ty cung cấp.

 Từ năm 2001, Indonesia đã cấm trồng bông Bt và không cho phép trồng thương mại các giống cây biến đổi gen khác. Burkina Faso đã cấm trông bông Bt năm 2015 và quay trở lại với giống bông không biến đổi gen. 

Người nông dân trở thành "con nợ" lệ thuộc vào các công ty GMO

Bà Kartini cũng chỉ ra những thách thức đối với người nông dân trong việc duy trì giống địa phương khi trồng các cây biến đổi gen. Theo đó, thông qua các đạo luật về giống và thỏa thuận thương mại, các tập đoàn như Monsanto, Syngenta, Bayer, Dow, DuPont, BASF (top 6 tập đoàn GMO chiếm 2/3 thị phần trên thế giới) muốn biến việc giữ giống cho mùa sau của người nông dân trở thành bất hợp pháp và buộc họ phải mua giống hàng năm bằng cách tư nhân hóa giống thông qua các đạo luật về “sở hữu trí tuệ”, cấp bằng sáng chế và quy định về quyền của người tạo giống.

Như vậy, người nông dân không thể giữ hạt giống sau khi thu hoạch đối với các loài được bảo hộ trừ khi chính phủ đưa ra quy định đặc biệt cho phép sử dụng chúng. Thậm chí ngay cả khi đã được phép, họ cũng phải trả tiền để tái sử dụng những hạt giống này.

Tại các nước đang phát triển, điều này rất có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia về GMO. Ví dụ như Argentina đã diễn ra một chiến dịch vận động kéo dài 15 năm đòi sửa đổi luật về giống, theo đó cho phép thu tiền bản quyền từ mọi người trồng đang giữ hạt giống để trồng cho mùa sau.

Ba lời hứa hão huyền về cây trồng biến đổi gen đang “đánh lừa” cả thế giới? 1
Toạ đàm “Các bên liên quan về biến đổi gen” do do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng tổ chức

Điều đó có nghĩa là hạt giống và gia súc trở nên đắt hơn, tước đi quyền của người nông dân được tự do tái sản xuất giống, giảm vòng đời và văn hóa đối với một loại hàng hóa mà các công ty có thể sở hữu và kiểm soát, mở cửa cho công nghệ sinh học về giống, bà Kartini nhấn mạnh.

Để hạn chế những tác động của GMO, bà Kartini đề xuất việc hình thành các phong trào tại các quốc gia nhằm tăng cường và thúc đẩy hệ thống chủ quyền lương thực và tự do của chính người nông dân, để người nông dân được trồng, lưu giữ, trao đổi hạt giống của họ.

Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp đa dạng như nông nghiệp sinh thái, bao gồm cả việc công nhận quyền tiếp cận và các quyền khác đối với đất, rừng và việc trồng giống bản địa của chính người nông dân và cộng đồng

Theo bà Kartini, để bảo vệ và khuyến khích nền nông nghiệp sinh thái, tháng 4/2018, Liên minh Châu Âu đã phê chuẩn nghị quyết về sản xuất hữu cơ trong đó tuyên bố rõ ràng rằng việc sử dụng phương pháp sinh sản vô tính và tạo ra các động vật đa bội hoặc sinh vật biến đổi gen.

Nghị quyết này cũng nhấn mạnh, những các sản phẩm được sản xuất từ sinh vật biến đổi là không phù hợp với khái niệm sản xuất hữu cơ và nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ. Việc sử dụng như vậy phải bị nghiêm cấm trong sản xuât hữu cơ.