4 nguyên nhân khiến VN-Index sụt mạnh nhất lịch sử về dưới 1.000 điểm

Ngọc Chi - 10:01, 06/02/2018

TheLEADERTiếp nối bước sụt giảm kỷ lục 56 điểm hôm qua, sáng nay, VN-Index tiếp tục phá kỷ lục về số điểm giảm tuyệt đối với âm 65 điểm tính đến 9h45. Vốn hóa trên sàn HOSE bốc hơi thêm 6,5 tỷ USD.

Mức giảm điểm kỷ lục

Cơn địa chấn của thị trường chứng khoán thế giới đã trở thành giọt nước tràn ly, biến tâm lý vốn dao động trước các ngưỡng kháng cự lịch sử và trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thành hành động bán tháo hàng loạt.

Động thái bán tháo bắt đầu từ hôm qua khi VN-Index chốt phiên, giảm 56 điểm, mức giảm tuyệt đối lớn nhất trong lịch sử của chỉ số này.

Đến sáng nay, thông tin từ thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt ở Mỹ tiếp tục xấu, khiến làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư trở nên mạnh mẽ hơn.

Ảnh hưởng bởi "địa chấn" chứng khoán thế giới, VN-Index sụt mạnh nhất lịch sử về dưới 1.000 điểm.
Màu xanh sàn phủ khắp bảng điện tử HOSE.

Chỉ trong vòng 30 phút giao dịch đầu phiên, chỉ số VN-Index đã mất 65 điểm, tương ứng 6,5%, phá kỷ lục giảm tuyệt đối. Với mức giảm này, VN-Index gần như đã giảm sàn với hơn 90% mã giảm giá hết cỡ. Chỉ số này chính thức chào tạm biệt ngưỡng 1.000 điểm khi chỉ còn 985 điểm.

Cùng với đó, mức vốn hóa thị trường trên sàn HOSE đã bay hơi thêm 6,5 tỷ USD, bổ sung vào con số tương tự của phiên giao dịch hôm qua.

Nguyên nhân?

Nguyên nhân sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là sự kết hợp "họa vô đơn chí" của nhiều yếu tố.

Đầu tiên là yếu tố kỹ thuật, khi VN-Index cách đây vài ngày đã ngấp nghé ngưỡng kháng cự 1.170 điểm, là mức cao lịch sử của chỉ số này, lập được năm 2007. Trước ngưỡng này, VN-Index đã đảo chiều liên tục, thay vì chuỗi tăng đều trước đó, thể hiện tâm lý e ngại của nhà đầu tư.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào những ngày giao dịch cuối cùng trước khi có kỳ nghỉ dài đón năm mới Mậu Tuất. Và như mọi năm, nhà đầu tư thường có xu hướng đóng trạng thái tài khoản, một mặt để có tiền tiêu Tết, nhưng cái chính là để tránh rủi ro sau một kỳ nghỉ dài.

Thứ ba, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới. Trong hai ngày đầu tuần này, lo ngại trước khả năng tăng lãi suất của Mỹ, thị trường chứng khoán New York đã có những phiên giảm giá mạnh nhất trong vòng nhiều năm qua.

Trong phiên ngày 5/2, chỉ số Dow Jones đã sụt 1.175 điểm, tương đương 4,6%, mạnh nhất kể từ 2011 tới nay. Chỉ với hai phiên giảm điểm, Dow Jones đã mất hết thành quả của tháng đầu năm 2018.

Thứ tư, margin call. Cùng với đà tăng điểm ấn tượng của VN-Index trước đợt sụt giảm này là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tăng cao của các nhà đầu tư. Và một khi thị trường quay đầu, với mức giảm đủ lớn, đó sẽ là "cú đấm bồi" đối với thị trường. Cú đấm này càng nặng hơn sau động thái siết tỷ lệ margin của HOSE mới đây.