5 nguyên tắc chuẩn OECD để xóa bỏ giấy phép con

An Chi - 08:00, 03/09/2017

TheLEADERChính phủ đã có yêu cầu các bộ ngành rà soát để bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh trong kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD. Vậy, tiêu chuẩn OECD là gì?

5 nguyên tắc chuẩn OECD để xóa bỏ giấy phép con
Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu từ OECD (Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển) gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu, chất lượng thể chế đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng năng suất và sáng tạo. Chất lượng thể chế quyết định việc một quốc gia tăng trưởng nhanh hay chậm so với thế giới, quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia trong cuộc canh tranh toàn cầu.

Chính vì thế, OECD luôn coi trọng cải cách thể chế và đặt ra những nguyên tắc tiêu chuẩn về xây dựng thể chế nhằm đảm bảo chất lượng thể chế tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng có các tài liệu hướng dẫn.

Các nguyên tắc đảm bảo chất lượng thể chế của OECD gồm:

Không hạn chế số lượng doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường

Theo OECD, có nhiều hình thức hạn chế số lượng doanh nghiệp kinh doanh gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế. Cụ thể như việc Nhà nước tạo độc quyền kinh doanh; Nhà nước ban hành các quy định làm tăng chi phí gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường; Nhà nước ban hành quy định hạn chế hoạt động của một số nhóm doanh nghiệp...

Theo nguyên tắc của OECD, các loại điều kiện kinh doanh đang hạn chế và làm giảm số lượng doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường cần được loại bỏ như: Yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm tại một số đơn vị duy nhất; Yêu cầu đào tạo tại cơ sở Nhà nước quy định và có chứng chỉ do nhà nước cấp; Yêu cầu sử dụng phần mềm hoặc tài liệu do cơ quan Nhà nước hoặc do đơn vị Nhà nước chỉ định cung cấp (ví dụ cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe).

Điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất (diện tích nhà xưởng, số lượng phương tiện); Điều kiện kinh doanh về số lượng và trình độ nhân lực; Điều kiện kinh doanh yêu cầu sử dụng một phương thức kinh doanh nhất định (ví dụ phải nằm trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp bán buôn); Điều kiện kinh doanh yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm quá mức cần thiết, ví dụ như tiết kiệm năng lượng, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường...

Không quy định hạn chế lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động giữa các vùng

OECD cho rằng, quy định như vậy làm giảm cạnh tranh trong vùng, giảm số lượng nhà cung cấp. Nhiều khi các hạn chế về địa lý tạm thời có thể biến thành dài hạn do vận động chính sách. Trong khi đó, có nhiều phương án tốt hơn để đạt được mục tiêu phát triển vùng như trợ cấp hoặc chính sách thuận lợi hơn. Rất ít khi các chính sách hạn chế về địa lý có thể vượt qua bài toán kiểm tra về chi phí – lợi ích. Do đó, người làm chính sách cần phải có cái nhìn hoài nghi về đề xuất kinh doanh có hạn chế địa lý.

Theo nguyên tắc này của OECD, các điều kiện kinh doanh có nội dung cần được bãi bỏ như thay đổi địa điểm kinh doanh phải xin phép (ví dụ như văn phòng công chứng) và yêu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Không hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo nghiên cứu của OECD, việc hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ dẫn đến giảm đầu tư, hạn chế đổi mới, sáng tạo và làm giảm khả năng sản xuất của doanh nghiệp. 

Các hình thức hạn chế khả năng cạnh tranh bao gồm kiểm soát giá, hạn chế quảng cáo tiếp thị, áp dụng tiêu chuẩn theo hướng tạo thuận lợi hơn cho một số doanh nghiệp, làm chi phí của một số doanh nghiệp cao hơn doanh nghiệp khác, sử dụng việc cung cấp một loại dịch vụ nhất định như biện pháp quản lý nhà nước. Do đó, theo OECD, các quy định như trên cần sớm được loại bỏ.

Không làm giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Quy định của nhà nước có thể làm giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp làm cho nền kinh tế trì trệ, năng suất thấp. Theo OECD, các loại quy định có thể làm giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần loại bỏ bao gồm:

Thứ nhất, nhà nước cho phép doanh nghiệp tự điều tiết hoặc thừa nhận quy định tự điều tiết. Điều này có thể gây nhiều tác động bất lợi cho đầu tư và cạnh tranh vì doanh nghiệp hiện đang hoạt động có xu hướng đặt ra hàng rào gia nhập thị trường cao. Nhà nước phải luôn đảm bảo các thỏa thuận đó phải phù hợp với pháp luật cạnh tranh và luôn xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận các thỏa thuận tự điều tiết của doanh nghiệp

Thứ hai, nhà nước yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về giá hoặc doanh thu. Việc này có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phối hợp hình thành các-ten (độc quyền nhóm). Do đó, nhà nước không nên yêu cầu công khai các thông tin này hoặc phải đảm bảo bảo mật cho doanh nghiệp.

Thứ ba, việc nhà nước quy định nhiều miễn trừ áp dụng pháp luật cạnh tranh có thể dẫn đến rủi ro tập trung kinh tế quá mức, các doanh nghiệp độc quyền và lam dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Không hạn chế lựa chọn và hạn chế thông tin đói với người tiêu dùng

OECD cho rằng, việc nhà nước hạn chế lựa chọn và hạn chế thông tin đối với người tiêu dùng có thể làm giảm tính canh tranh trên thị trường, giảm động lực đổi mơi, sáng tạo. Từ đó dẫn đến giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Các loại quy định hạn chế lựa chọn và hạn chế thông tin đối với người tiêu dùng của nhà nước hiện nay cần nghiên cứu xóa bỏ gồm:

Hạn chế khả năng chọn nhà cung cấp của người tiêu dùng, ví dụ quy định chỉ được sử dụng dịch vụ y tế địa phương… Theo OECD, quy định như vậy có thể hạn chế chất lượng dịch vụ và làm cho người tiêu ùng không thể đi nơi khác chữa bệnh nếu họ có nhu cầu. Điều này làm giảm động cơ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bằng chất lượng hàng hóa.

Thứ hai, làm tăng chi phí thay đổi nhà cung cấp. OECD cho rằng nhà nước cần tránh ban hành các quy định có tiềm năng làm tăng chi phí thay đổi nhà cung cấp và tìm cách giảm chi chí đó nếu có. Bởi quy định này có thể làm cho người tiêu dùng không muốn thay đổi nhà cung cấp vì chi phí cao.

Thứ ba, nhà nước cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng. Khi thị trường có sản phẩm mới, nhà cung cấp mới, nhà nước cần đặt ra yêu cầu về cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể so sánh, phân biệt và lựa chọn. Nhà nước có thể tự cung cấp thông tin và giáo dục người dân về những lựa chọn mà họ có thể cân nhắc khi nhà nước cho phép nhiều nhà cung cấp mới, sản phẩm mới tham gia thị trường. Ví dụ như cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực trước đây là độc quyền của nhà nước.