8 nguyên tắc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu

Minh An - 17:16, 25/07/2017

TheLEADERNội dung trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn từ 2016 – 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt.

8 nguyên tắc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu
Ocean Bank, một ngân hàng yếu kém sau khi bị mua lại 0 đồng đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Mục tiêu của đề án là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm số lượng TCTD yếu kém;

Lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, xóa bỏ sở hữu chéo, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng và có ít nhât 12 – 15 ngân hàng áp dụng Basel II đến năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập ngân hàng, niêm yết cổ phiếu các NHTMCP;

Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Để thực hiện các mục tiêu này, đề án đưa ra 8 nguyên tắc cơ bản, bao gồm:

- Thực hiện thường xuyên, liên tục, tiếp nối và kế thừa các giai đoạn trước.

- Cần thận trọng, từng bước, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tận dụng tối đa các nguồn lực.

- Cơ cấu toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị theo các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức tính dụng và cơ chế thị trường. Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và an toàn hệ thống.

- Xử lý nợ xấu gắn với phòng ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Phát huy vai trò của VAMC và huy động mọi nguồn lực hợp pháp (xã hội và Nhà nước) trong việc cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.

- Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Ưu tiên bảo vệ quyền của chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự, hành chính trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự. Cần làm rõ những tổn thất phát sinh do nguyên nhân khách quan và tổn thất do cố ý làm trái quy định của pháp luật. Có cơ chế phù hợp bảo vệ cán bộ, công chức được giao xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.

- Phát triển hệ thống TCTD phù hợp với đặc điểm và tình hình đất nước... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các định chế tài chính nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.

- Phát triển mạnh mẽ, vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn và hiệu quả.

- Điều hành chủ động linh hoạt các hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.