Airbus có khả năng 'cất cánh' khỏi Anh hậu Brexit

Thùy Dung - 11:42, 24/06/2018

TheLEADERGã khổng lồ hàng không Airbus đưa ra cảnh báo về khả năng rút khỏi Anh hậu Brexit nếu quốc gia này ra đi với 'tay trắng'.

Airbus có khả năng 'cất cánh' khỏi Anh hậu Brexit
Airbus hiện đang sử dụng hơn 15.000 nhân công Anh. Ảnh: AFP/OLI SCARFF

Lời tuyên bố mới nhất từ Airbus đang gia tăng thêm áp lực cho Thủ tướng Anh Theresa May trong quá trình đạt được những tiến bộ trong đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Airbus, nơi đang sử dụng trực tiếp gần 15.000 nhân công, đánh giá rằng Brexit là một điều "thảm khốc" và buộc tập đoàn này phải xem xét lại các khoản đầu tư.

Giám đốc điều hành Airbus Tom Williams cho biết: "Viễn cảnh ra đi tay trắng, không thỏa thuận của Anh sẽ đe dọa trực tiếp tới tương lai của hãng này tại đây".

Chính phủ của bà May có khả năng sẽ đi ra mà không có bất kỳ kết quả nào. Dù vậy, vị thủ tướng này luôn hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận giữa Anh và EU trước khi Brexit chính thức diễn ra vào 29/3 năm sau.

"Chúng tôi đã tạo ra những tiến bộ đáng kể về một mối quan hệ sâu sắc, đặc biệt với EU nhằm đảm bảo thương mại tự do, không rào cản nhất có thể, bao gồm cả lĩnh vực hàng không vũ trụ", một phát ngôn viên cho biết.

Tuy vậy, các cuộc đàm phán vẫn đang rơi vào bế tắc và đình trệ liên quan đến biên giới Ireland và sự do dự của Anh với những gì họ thực sự muốn.

Anh dự định sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu cũng như liên minh thuế quan của khối này để có thể thúc đẩy một chính sách thương mại độc lập và chấm dứt việc di chuyển tự do của dòng lao động.

Trong một đánh giá về rủi ro của Brexit, Airbus cho rằng viễn cảnh thỏa thuận thất bại sẽ "dẫn tới một sự gián đoạn nghiêm trọng". Điều này "sẽ buộc Airbus xem xét lại các khoản đầu tư tại Anh cũng như những dự định dài hạn tại thị trường này", báo cáo cho biết.

Không chỉ có Airbus, một loạt các hãng hàng không, ngân hàng và những doanh nghiệp tên tuổi khác như BMW đã đưa ra kế hoạch dự phòng về việc chuyển vị trí hoặc tái cơ cấu hậu Brexit.

Chính phủ Anh đã đồng ý kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit vào tháng 12/2020 để quan hệ đối tác kinh tế mới được thực hiện với EU.

Tuy nhiên, Airbus đánh giá khoảng thời gian đó quá ngắn "để Airbus có thể thực hiện những thay đổi cần thiết với chuỗi cung ứng".

Dù ở lại liên minh thuế quan của EU hoặc tham gia vào một số phiên bản điều chỉnh khác hậu Brexit thì sẽ đều dẫn nước Anh tới một thỏa thuận tồi tệ hơn so với kịch bản là một thành viên đầy đủ lợi ích trong EU.

Dựa vào góc độ trên, nhiều người sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng Brexit có thể là một bước đi sai lầm, một điều mà May và những đồng nghiệp không muốn.

So với những hạn chế trong liên minh thuế quan, việc bị rơi ra khỏi EU mà không có bất cứ một thảo thuận nào hậu Brexit là một điều còn tồi tệ hơn rất nhiều cho nước Anh. Điều này sẽ ném quan hệ thương mại của Anh vào tình trạng hỗn loạn và gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.