Áp dụng IFRS để giảm gian lận tài chính và tăng cường minh bạch thông tin

Đặng Hoa - Vũ Long - 09:46, 15/12/2017

TheLEADERMinh bạch hóa thông tin nhờ áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp khi IPO và niêm yết.

Gần đây các gian lận báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến, điển hình như Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật năm 2014, công ty Gỗ Trường Thành năm 2016.

Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thị trường trong mắt các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đã chịu tổn thất tài chính, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân do không đủ khả năng đánh giá tài chính doanh nghiệp.

Mới đây, Báo cáo Đánh giá sự Tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) lĩnh vực kế toán và kiểm toán của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng chất lượng báo cáo tài chính các đơn vị có lợi ích công chúng tại Việt Nam hiện chưa nhất quán với thông lệ quốc tế.

Theo báo cáo một số công ty kiểm toán có năng lực và nguồn lực còn hạn chế. Đồng thời nhu cầu đối với báo cáo tài chính doanh nghiệp còn thấp do người sử dụng báo cáo tài chính chưa đánh giá được đầy đủ lợi ích của báo cáo tài chính.

Báo cáo đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng đầy đủ chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và các diễn giải liên quan cho các đơn vị có lợi ích công chúng.

Khi áp dụng IFRS, chất lượng của báo cáo tài chính của doanh nghiệp được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

Bên lề hội thảo công bố Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, The LEADER đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hồng Kiên, Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, mục tiêu của việc áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là gì?

Ông Trần Hồng Kiên: Chúng ta không thể phủ nhận nhu cầu thực tế liên quan đến báo cáo tài chính vì các báo cáo tài chính hiện nay nhằm phục vụ cho các đối tượng khác nhau gồm các nhà đầu tư, các ngân hàng khi quyết định cho vay hay bản thân các cơ quan thuộc diện giám sát các hoạt động minh bạch của nền kinh tế.

Như vậy nếu càng sớm đạt được mục tiêu này thì càng mang lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp ở phạm vi vi mô mà còn cả một quốc gia.

Nếu chúng ta duy trì những bất cập của hệ thống báo cáo tài chính hiện tại thì không đảm bảo được mục tiêu lợi ích cho các tổ chức đang hoạt động trên thị trường.

Tuy nhiên mục tiêu này chỉ có thể đạt được, trong thời gian ngắn hơn, khi có sự cam kết của không chỉ các cơ quan quản lý tài chính mà còn của các doanh nghiệp.

Áp dụng IFRS để giảm gian lận tài chính và tăng sự minh bạch thông tin
Ông Trần Hồng Kiên, Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam

Hiện Việt Nam đang có rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước với các quy mô khác nhau. Vậy làm thế nào các doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu là áp dụng một báo cáo độc lập chung cho nhiều đối tượng?

Ông Trần Hồng Kiên: Trong một nền kinh tế, cần phải nhìn thấy lợi ích mới triển khai, đặc biệt là IFRS. Nếu việc triển khai nếu chỉ dựa trên áp lực thì sẽ rất khó để thành công.

Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu IPO, niêm yết ở nước ngoài nhằm kêu gọi vốn đầu tư. Do đó, việc áp dụng IFRS là cần thiết vì các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến tính minh bạch thông tin để đảm bảo việc đầu tư tạo ra lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.

Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp khi IPO và niêm yết.

Tuy nhiên, không nên đưa ra một khung chuẩn mực quá phức tạp để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

Không có lý do gì để buộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế nếu lợi ích các doanhnghiệp này thu được không tương xứng với các chi phí phải bỏ ra. Bản thân quá trình chuyển đổi sang IFRS là một quá trình thay đổi tư duy và chắc chắn trong quá trình đó sẽ gặp nhiều cản trở.

Gần đây trên thị trường chứng khoán có khá nhiều vụ gian lận trong báo cáo tài chính như Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật hay Gỗ Trường Thành. Từ góc độ của một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hồng Kiên: Gian lận là vấn đề không mong muốn trong nền kinh tế. Các cơ quan chức năng hay các cổ đông đều muốn tạo ra cơ chế quản lý để ngăn ngừa sớm các gian lận. Để làm được điều này cần phải tiếp cận các thông tin minh bạch. Báo cáo tài chính là một trong những cơ sở sớm nhất hỗ trợ việc kiểm soát doanh nghiệp.

Ở góc nhìn khác, các doanh nghiệp có thể không chủ ý gian lận mà do các cơ chế tài chính không phản ánh hoàn toàn đúng bản chất thực thi của nó (giao dịch). Đây chính là vấn đề báo cáo ROSC đưa ra, bên cạnh việc tạo ra động lực minh bạch hơn. Do đó việc áp dụng IFRS sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phản ánh được các thông tin minh bạch và kịp thời hơn.

IFRS có vai trò như thế nào đối với các nhà đầu tư cá nhân, thường hạn chế về năng lực đánh giá tài chính và chịu nhiều rủi ro hơn khi đầu tư vào doanh nghiệp?

Ông Trần Hồng Kiên: Khi nói những nhà đầu tư không hiểu hoặc hiểu sai báo cáo tài chính, một trong những lý do là chúng ta đang làm sai bản chất của hệ thống kế toán.

Một trong những mục tiêu của báo cáo tài chính là phục vụ cho mục đích chung, có nghĩa là nhà đầu tư không cần có chuyên sâu quá lớn về kiến thức kế toán mà vẫn có thể đọc và hiểu được các thông tin cần thiết để hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư.

IFRS sẽ hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết vấn đề này. Ví dụ, ngoài các con số, các thuyết minh bổ sung nhiều khi quan trọng hơn chuyện lãi lỗ.

Do đó, nếu việc chuyển đổi sang hệ thống IFRS một cách nghiêm túc và khách quan sẽ giúp những nhà đầu tư trước đây không có khả năng đọc báo cáo sẽ có những thông tin hữu ích cho các quyết định đầu tư.

Báo cáo của World Bank đưa ra khuyến nghị nên thành lập Ủy ban kiểm toán chuyên trách (trong công ty) phục vụ cho lợi ích công chúng. Ông đánh giá như thế nào?

Ông Trần Hồng Kiên: Đây là vấn đề quản trị doanh nghiệp vì nó liên quan đến vấn đề đối nghịch quyền lợi. Trên thực tế doanh nghiệp, vì các mục đích khác nhau, ban lãnh đạo có thể đưa ra các thông tin sai lệch trong doanh nghiệp. Ủy ban kiểm toán ra đời để tránh vấn đề này.

Một trong những tiêu chí của Ủy ban kiểm toán là hoàn toàn độc lập hoàn toàn với ban lãnh đạo. Ủy ban này sẽ quyết định lựa chọn đơn vị tiến hành kiểm toán doanh nghiệp. Điều này, tạo ra tính độc lập của đơn vị kiểm toán được thuê.

Đây thực sự đang là vấn đề ở Việt Nam, rõ ràng khi được thuê, các đơn vị kiểm toán dễ dàng bị phụ thuộc vào ban lãnh đạo. Do đó, trong nhiều trường hợp, đơn vị kiểm toán không đưa ra các ý kiến đúng với đạo đức nghề nghiệp nhằm duy trì hợp đồng kiểm toán.

Đề xuất lập Ủy ban kiểm toán sẽ tạo ra các cơ chế giám sát độc lập, đảm bảo quản lý được chất lượng của các cuộc kiểm toán trong từng doanh nghiệp, và cũng giúp các Công ty kiểm toán có động lực luôn nâng cao chất lượng kiểm toán và dần loại bỏ các cuộc cạnh tranh hợp đồng kiểm toán chỉ dựa vào giá phí.

Các công ty kiểm toán sẽ phải hoạt động đúng chức năng là bảo vệ cổ đông và đại đa số người sử dụng báo cáo, không phải bảo vệ quyền lợi ban lãnh đạo.

Theo ông Việt Nam đã có thể an tâm về sự minh bạch trong các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hay chưa?

Ông Trần Hồng Kiên: Nhìn chung tất cả các quy định đều hướng đến sự minh bạch và làm lạnh mạnh hóa thị trường nói chung. Không thể phủ nhận những vai trò của các quy định của Việt Nam đã phát triển thời gian qua, đã làm minh bạch hơn các hoạt động tài chính của từng doanh nghiệp. Có thể sự minh bạch chưa được như kỳ vọng chung do một ngành nghề hay một doanh nghiệp cụ thể nào đó, tuy nhiên xu hướng chung đều là minh bạch hóa.

Tuy nhiên tôi cho rằng Việt Nam vẫn đang hướng đến nhưng chưa đạt được độ minh bạch cần có.

Xin cảm ơn ông!

Công ty kiểm toán PwC, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đã tham gia vào việc đánh giá và nhận định tác động của các chuẩn mực IFRS mới đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, cũng như việc hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp thực hiện thành công IFRS tại nhiều quốc gia và Việt Nam.