APEC, thế giới quan của Tổng thống Trump và quan hệ Mỹ - Việt

Michael Modler (*) - 17:09, 27/10/2017

TheLEADERNhững nghi lễ long trọng và việc nhiều nhân vật quyền lực có mặt ở một địa điểm có thể làm chúng ta quên đi vài điểm mấu chốt về hội nghị APEC lần này

Đối với một số nước khu vực, sự chú trọng của Trump vào vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia có thể sẽ thay đổi quan hệ của họ với Hoa Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách chủ chốt từ 21 nền kinh tế Thái Bình Dương sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh APEC (Đà Nẵng). Với sự góp mặt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các nhà lãnh đạo quan trọng khác, truyền thông quốc tế sẽ chú ý đặc biệt đến Đà Nẵng.

Tuy nhiên, những nghi lễ long trọng và việc nhiều nhân vật quyền lực đến thế có mặt ở một địa điểm có thể làm chúng ta quên đi vài điểm mấu chốt về hội nghị lần này. Mục đích của APEC là gì? Có liên quan gì đến các vấn đề trên thế giới? Kết quả hội nghị sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ của Việt Nam với phần còn lại của khu vực và thế giới?

APEC được thành lập cách đây hơn hai thập kỷ để thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, sự ủng hộ của APEC đối với thương mại tự do đã bị giới hạn và dừng lại ở những tuyên bố sứ mệnh mơ hồ và mang tính hình thức.

Trên thực tế, lượng thành viên trải rộng và hết sức đa dạng của APEC khiến việc đàm phán tiến tới một hiệp định mậu dịch tự do (FTA) cho toàn khối trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, nhiệm vụ tự do hóa thương mại được hiện thực hóa bởi quan hệ song phương hoặc các nhóm nhỏ hơn giữa một số thành viên APEC với nhau như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Vì không có một hiệp định phức tạp và ràng buộc về mặt pháp lý nào để đàm phán và giám sát, cho nên các kế hoạch hành động của APEC tập trung vào các sáng kiến ​​thúc đẩy thương mại, dù khiêm tốn hơn nhưng không kém phần quan trọng. Những sáng kiến này bao gồm việc hài hòa hóa hải quan và nỗ lực giảm chi phí giao thương xuyên biên giới. Đáng chú ý nhất là Thẻ kinh doanh APEC cho phép đi công tác – giao dịch mà không cần xin thị thực trong khối.

Tuy nhiên, nhìn chung, không dừng lại ở các kế hoạch hành động, chức năng của APEC còn hơn thế nhiều. APEC tạo ra một diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới trình bày tầm nhìn chiến lược - "bức tranh lớn" của khu vực, và tạo cơ hội cho các cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo thế giới khi tham dự hội nghị.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Châu Á này của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chúng ta có thể đoán trước rằng, phương pháp tiếp cận chiến lược của ông đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ khác với những người tiền nhiệm.

Chính quyền Obama thường nhắc đến chính sách "xoay trục hướng Á" (nghĩa là tập trung nhiều hơn vào vành đai Thái Bình Dương). Chính quyền này cũng tìm cách thúc đẩy "các chuẩn mực tự do quốc tế", các thể chế đa phương và các sáng kiến ​​như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dù Trump có lẽ sẽ không coi nhẹ tầm quan trọng của châu Á, thế giới quan của ông lại được hình thành theo các lối nghĩ khá truyền thống về chủ quyền và lợi ích quốc gia. Ông tỏ ra thích các giao dịch song phương hơn đa phương. Có lẽ, ta sẽ thấy rõ thái độ này tại Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.

Đối với một số nước khu vực, sự chú trọng của Trump vào vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia có thể sẽ thay đổi quan hệ của họ với Hoa Kỳ. Chẳng hạn, ông đã công khai đề nghị Tokyo có thêm nhiều biện pháp để tự vệ hơn. Đây chính là sự chuyển biến trong thái độ của chính quyền Trump về quan hệ an ninh Mỹ - Nhật hiện tại. Trái lại, quan hệ của Hoa Kỳ với Thái Lan và Phi-líp-pin cải thiện rõ rệt trong năm qua, một phần vì Tổng thống Trump không chỉ trích nội bộ chính trị của họ (không giống chính quyền Obama).

Dù quyết định rút khỏi TPP là một sự thất vọng đối với Hà Nội, giao thương, đầu tư và giao lưu của người dân hai nước (qua kinh doanh, du lịch và du học) giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Những nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai quân đội cần sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ, và có vẻ đang tiến triển tốt. Thái độ coi trọng chủ quyền và những giao kèo thực dụng sẽ khiến mối quan hệ giữa hai nước ổn định và bền vững hơn.

Nhìn chung, quan điểm của Trump sẽ là một nhân tố tích cực cho sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm tới.

_______________________________________________________________________

(*) Tác giả là Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (Thành phố Hồ Chí Minh), có bằng Thạc sỹ về quan hệ quốc tế của Đại học George Washington.