Bài học từ Singapore: đổi mới hay là chết?

Thiên Hương - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERKhi nói đến sự đổi mới, tức là không bao giờ có chuyện ở yên một chỗ - bạn chỉ có thể ở một trong hai trạng thái tiến lên hoặc thụt lùi so với người khác, và việc ở mãi trong một vòng an toàn là điều không thể chấp nhận được.

Bài học từ Singapore: đổi mới hay là chết?

Đó là triết lý của Steve Leonard, Giám đốc điều hành của SGInnovate, một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nhân, đi đầu trong nỗ lực đổi mới của Singapore.

Mặc dù có thể không ngang tầm với Thung lũng Silicon, trái tim của sự đổi mới toàn cầu, nhưng Singapore đang không ngừng vươn lên trở thành miền đất hứa cho các ý tưởng mới trong vài thập kỷ nay.

Vào năm ngoái, một nghiên cứu liên kết giữa đại học Cornell, INSEAD và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã xếp Singapore là quốc gia sáng tạo thứ sáu trên thế giới, chỉ sau những quốc gia như Anh và Hoa Kỳ - các quốc gia lớn hơn và sở hữu nhiều nguồn lực hơn Singapore rất nhiều.

Đổi mới hay là chết?

Quốc gia nhỏ bé này đã phải đương đầu với một số vấn đề vĩ mô như: cung cấp nước sạch; an toàn thực phẩm; nhà ở giá rẻ; cơ sở hạ tầng hay thu hút tài năng. Ngày nay, với việc là quốc gia có tiêu chuẩn sống cao nhất toàn cầu, sự đổi mới, cải tiến là cấp thiết hơn bất cứ lúc nào.

"Bạn sắp trượt vào vùng an toàn và có ý nghĩ rằng mình nên tận hưởng sự thoải mái này, đó là khi mọi thứ vuột khỏi tầm tay bạn bởi vì bất kỳ ai đó trên đường phố, hay trên khắp các châu lục đang làm việc chăm chỉ hơn bạn mỗi phút giây", ông Leonard nói tại hội nghị Innovfest Unbound tại Singapore.

Ông Leonard đã từng là giám đốc điều hành của cơ quan phát triển Infocomm, được tái cấu trúc vào năm 2016 trở thành cơ quan công nghệ Chính phủ. Trước đó, ông giữ vai trò lãnh đạo khu vực châu Á Thái Bình Dương của một số công ty công nghệ hàng đầu có chi nhánh ở Singapore.

Trở thành một trung tâm đổi mới là tham vọng của nhiều thành phố bởi điều này sẽ thu hút đầu tư và nhân tài. Và Singapore không phải là ngoại lệ. Theo Yossi Vardi, một doanh nhân và nhà đầu tư đến từ Israel, có ba yếu tố - văn hóa, hệ sinh thái và môi trường đô thị - cùng kết hợp để tạo ra một trung tâm đổi mới thành công.

Văn hóa ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của những người có cùng khao khát đổi mới, cải tiến để thúc đẩy lẫn nhau trong một môi trường hợp tác hơn. Một môi trường sôi động cho phép những người có cùng suy nghĩ thảo luận các ý tưởng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Bởi vì toàn cầu hoá, các nhà đổi mới có thể di chuyển tự do hơn. Vì vậy, các thành phố cần phải có một mức sống thoải mái để thu hút hoặc giữ lại các cá nhân tài năng, ông Vardi cho biết thêm.

Trong khi Singapore có thể thu hút nhân tài và xây dựng hệ sinh thái của các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tập đoàn và các viện nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng quốc gia thành phố này nhìn chung vẫn gặp vấn đề với việc chấp nhận rủi ro.

Ông Leonard chỉ ra thách thức tồn tại ở đây là phải làm sao để thuyết phục mọi người ở mọi lĩnh vực chấp nhận mua một ý tưởng sáng tạo, những ý tưởng mà không phải tất cả đều thành công hoặc được biết đến ngay từ đầu. Ông giải thích rằng trong những năm 1940, một sự đổi mới to lớn đối với ngành sản xuất ô tô đó là việc xuất hiện ý tưởng bảng điều khiển để bảo vệ khi gặp sự cố. Ý tưởng này mở ra nhiều tính năng hơn, bao gồm dây an toàn, túi khí và phanh chống khóa.

Các nhà lãnh đạo Singapore dường như hiểu được sự cần thiết phải liên tục đổi mới và chấp nhận rủi ro. Năm ngoái, chính phủ nước này đã cam kết dành 19 tỷ đô la Singapore (13,6 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 5 năm tới. Hôm thứ 4, chính phủ thông báo rằng trong 5 năm tới, hơn 100 triệu đô la sẽ được đầu tư vào những nỗ lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - hiện vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Ông Tan Kiat How, Tổng giám đốc của Cơ quan phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA), hội đồng quản trị của chính phủ, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông của Singapore nói IMDA đã tập trung vào một số lĩnh vực để giúp Singapore sớm trở thành một trung tâm đổi mới và một quốc gia thông minh.