Bài toán sở hữu trí tuệ thương hiệu gỗ Việt khi gia nhập CPTPP

Đặng Hoa - 08:00, 28/03/2018

TheLEADERYêu cầu khắt khe về sở hữu trí tuệ thương hiệu là một trong những thách thức lớn đối với ngành gỗ Việt Nam trong việc gia nhập CPTPP.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam tăng trưởng 12,6% so với năm 2016, theo cơ cấu sản phẩm thì đồ gỗ nội thất luôn chiếm trên 50%. Trong những năm gần đây, các sản phẩm khác như gỗ làm chất đốt, bột giấy, gỗ ván ép cũng đang gia tăng tỷ trọng.

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) về tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lên các ngành, trong đó có ngành gỗ, cho thấy các khu vực chiếm tỷ trọng lớn bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Đây cũng là top 5 quốc gia chiếm tới trên 90% tổng sản lượng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2017.

Tham gia vào hiệp định CPTPP còn có các đối tác nhập khẩu gỗ lớn khác của Việt Nam như Canada, Australia, Malaysia, Singapore và Newzealand.

BSC chỉ ra rằng trong hiệp định CPTPP, các mặt hàng gỗ được chia làm 20 loại sản phẩm nhỏ hơn và cả 20 loại này đều được xếp vào nhóm miễn thuế ngay lập tức khi hiệp định CPTPP được ký kết (nhóm IEF). Tuy nhiên trong top 5 đối tác lớn nhất của Việt Nam về nhập khẩu gỗ, chỉ có Nhật Bản tham gia CPTPP.

Đối với Nhật Bản, hiện Việt Nam đang duy trì Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA). Trong đó hầu hết mặt hàng gỗ được phân vào loại A (loại bỏ hoàn toàn thế kể từ ngày ký VJEPA 1/10/2009).

Các mặt hàng từ gỗ khác cũng có thuế suất gần bằng 0% do lộ trình giảm thuế cam kết từ năm 2009. Bởi vậy, BSC cho rằng mức giảm về 0% có thể là không đáng kể để tạo ra sự thay đổi về mặt nhu cầu từ phía Nhật Bản.

Các quốc gia khác thuộc khối ASEAN cũng có mặt trong CPTPP và là khách hàng nhập khẩu gỗ lớn của Việt Nam phải kể đến Malaysia và Singapore. Đối với hai quốc gia này, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã giảm thuế của các mặt hàng gỗ về 0% từ lâu, do đó hiệp định CPTPP không có tác động lớn đối với các quốc gia này. Tương tự, Canada và Australia cũng đều đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm từ gỗ về 0%.

BSC cũng đánh giá tác động của CPTPP lên ngành gỗ cũng như các doanh nghiệp sản xuất gỗ lên cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là không đáng kể. 

Hiện có 2 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn là Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu SAVIMEX (SAV) và Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành (GDT). Trong số các thị trường xuất khẩu của 2 doanh nghiệp này không có nhiều nước tham gia CPTPP do đó, tác động từ hiệp định này được dự báo sẽ không lớn.

Hiệp hội gỗ: Cơ hôi từ CPTPP nhiều hơn thách thức
TS. Tô Xuân Phúc

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends cho biết, hiện nay xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản khoảng 700 – 800 triệu USD/năm. Xuất khẩu sang các thị trường Canada và Australia có quy mô nhỏ hơn, tầm 100 - 200 triệu USD/năm. 

Do đó ông Phúc cho rằng, tham gia CPTPP là cơ hội mở rộng chung đối với Việt Nam tuy nhiên cơ hội lớn nhất vẫn là tại thị trường Nhật Bản.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhìn nhận, với CPTPP, cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức, đặc biệt khi hiệp định chính thức có hiệu lực, thuế sẽ lập tức về 0%.

Bên cạnh đó, gỗ của các nước nhập khẩu rồi bán cho các nước thành viên cũng sẽ được áp dụng mức thuế 0%. Đây là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.

“Tuy nhiên, thuế với các sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0%, đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này. Trước đây chúng ta mua thiết bị rẻ tiền từ Đài Loan, Trung Quốc nên chất lượng còn kém nhưng nay nếu thuế đổ về 0%, chúng ta có thể mua được các thiết bị chất lượng cao với giá phải rẻ hơn từ các nước phát triển như Nhật, Australia...”, ông Quyền nhận định.

Theo lãnh đạo VIFORES, Việt Nam đã có quan hệ đối tác thương mại gỗ với rất nhiều nước trong TPP cũ, đặc biệt là một quốc gia mạnh như Mỹ. Thương mại về gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Mỹ trong một năm khoảng 3 tỷ USD.

Đối với CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường lớn tại các quốc gia như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore; Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile... Đây là những quốc gia mạnh trong lâm nghiệp và đang trên đà phát triển.

Bên cạnh đó, ông Quyền cho rằng các quốc gia lâm nghiệp trong khối CPTPP rất hùng mạnh, quản lý bài bản nên chúng ta học được cách quản trị cũng như kinh nghiệm trong sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ hợp pháp và bảo vệ môi trường.

Thách thức vẫn còn trước mắt

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật gỗ sạch (Clean Wood Act) có hiệu lực vào tháng 5/2017. Hiện Chính phủ Việt Nam đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng đạo luật này. 

Các chuyên gia cho rằng các chính sách mới mà Chính phủ Nhật Bản đang xem xét và cân nhắc áp dụng trong đầu năm 2019 sẽ khiến các doanh nghiệp gặp một số rủi ro, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp sẽ cao hơn và tốn nhiều thời gian hơn.

Dù không trong khối CPTPP nhưng Hoa Kỳ cũng là một thị trường lớn của ngành gỗ Việt với kim ngạch xuất khẩu chiếm 40,2%. Hiện nay, Việt Nam cũng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro thương mại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào chế biến gỗ tại Việt Nam để giảm các chính sách về thuế của Hoa Kỳ.

Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, một yêu cầu khá khắt khe trong CPTPP, ông Quyền cho rằng đây là một trong những vấn đề gây đau đầu của ngành gỗ Việt Nam vì hiện nay nhận thức của các doanh nghiệp vẫn còn khá hạn chế. Đặc biệt là trong mảng thiết kế vì hiện nay số lượng sản phẩm được thiết kế ở Việt Nam còn quá ít ỏi.

“Chúng ta đang chủ yếu sản xuất theo các mẫu thiết kế ở nước ngoài; muốn có thiết kế phải có thương hiệu; muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ; muốn có sở hữu trí tuệ phải có nhân lực đào tạo nhưng chúng ta vẫn chưa có đủ nguồn lực”, lãnh đạo VIFORES nhận định.

Bài toán sở hữu trí tuệ thương hiệu gỗ Việt khi gia nhập CPTPP 1
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam.

Theo ông Quyền, để giải quyết được vấn đề này, ngành gỗ phải có kế hoạch cụ thể để đào tạo và hướng dẫn các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và làm thế nào để thực hiện quyền sở hữu trí tuệ một cách tốt nhất.

Ông cho rằng nhà nước phải nhanh chóng nội lực hóa tất cả các cơ chế chính sách, đặc biệt đối với ngành gỗ, khi ký cam kết CPTPP. Khi đã nội lực hóa thì cần có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn để có sự thống nhất giữa các cơ quan khác nhau như công an, kiểm lâm... về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Ông Quyền cho biết VIFORES đã thường xuyên tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp để giúp họ hiểu được thế nào là gỗ hợp pháp; tuy nhiên có một điều đáng tiếc là hiệp hội chỉ làm việc được với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh.

“Hiện nay Việt Nam có tới 4.500 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và khoảng 27 nghìn doanh nghiệp không chính thức nhưng các hiệp hội mới quản lý được chưa tới 2.000 doanh nghiệp. Vấn đề huy động được tất cả các doanh nghiệp đều tham gia vào hiệp hội là rất khó”, ông Quyền chia sẻ.

Do đó, ông cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu không sẽ rất khó để tồn tại. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh liên kết với nhau để hỗ trợ cho nhau phát triển cũng như tránh được những rủi ro khi vươn ra thị trường quốc tế.