Băn khoăn bài toán hiệu quả kinh tế mỏ sắt Thạch Khê

Thu Phương - 21:05, 25/07/2017

TheLEADERMỏ sắt Thạch Khê được định giá khoảng 35 tỷ USD, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, vấn đề lợi nhuận kinh tế khi tái khởi động lại dự án mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tính toán lại.

Băn khoăn bài toán hiệu quả kinh tế mỏ sắt Thạch Khê
Ảnh chỉ có tính chất minh họa (nguồn internet)

Nhiều nghi ngại về đầu ra sản phẩm

Theo báo cáo của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC), với giá bán quặng sắt trung bình từ 1,1 - 1,2 triệu VNĐ/tấn (50 - 51 USD), quặng sắt Thạch Khê sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quặng sắt thế giới. 

Sản phẩm có thể khắc phục được cả hàm lượng sắt (Fe) trong quặng Thanh Khê thấp hơn quặng Australia (chừng 3%) và hàm lượng kẽm (Zn) cao hơn tới 20 lần (0,07%). Mức giá bán này được so sánh với giá quặng sắt trên thế giới là 55,5 USD/tấn năm 2018 và dự kiến ở mức 49,7 - 60 USD/tấn (năm 2030).

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 25/7 tại Hà Nội, ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, giá quặng sắt có nhiều khả năng giảm xuống mức 50 - 40 USD/tấn trong thời gian tới.

Theo ông Minh phân tích, xét trên thị trường thế giới, lượng quặng sắt do hai nước Australia và Brazil sản xuất vẫn đang tiếp tục tăng khối lượng và chi phối thị trường quặng thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ quặng sắt 80% cũng đang có nhiều khẳ năng sẽ giảm lượng tiêu thụ vì những lò luyện thép chất lượng thấp phải ngừng hoạt động và tăng sử dụng thép phế thải... 

Do đó, giá quặng sắt nhiều khả năng có xu hướng giảm.  Điều này sẽ hết sức bất lợi cho sức cạnh tranh của quặng sắt Thạch Khê. 

"Nếu về quặng sắt mức giá 50 - 40 USD là chúng ta sản xuất lỗ. Đó là chưa kể đến việc tuổi thọ lò cao giảm đi ½ do hàm lượng kẽm cao, chi phí bảo dưỡng tốn hơn vật liệu và những yếu tố rủi ro khác trong quá trình khai thác quặng mà chúng ta chưa lường hết được khiến quặng Thạch Khê sẽ rất khó bán", ông Minh nhận định.

Ông Phạm Thế Minh tham luận tại hội thảo “Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh

Còn tại thị trường trong nước, nhìn chung khối lượng quặng cần mua trong nước là không lớn. Theo báo cáo của Công ty CP Sắt Thạch Khê có khoảng 10 doanh nghiệp có cam kết tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê nhưng khối lượng rất khiêm tốn. Lớn nhất là Công ty TNHH Thép KOBE sản xuất tại khu công nghiệp Đông Hồi - Quỳnh Lưu Nghệ An với nhu cầu 3 triệu tấn quặng/năm. 

Công ty CP Thép Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương và Tổng Công ty thép Việt Nam có nhu cầu 1 triệu tấn/năm. Các đơn vị khác như Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty TNHH Nhật Phát tại An Lão - Hải Phòng… chỉ có nhu cầu 0,12 triệu đến 0,3 triệu tấn quặng/năm.

Trong khi đó, theo ông Minh, địa điểm sản xuất phân tán khiến việc vận chuyển quặng từ mỏ về nơi luyện khó khăn, đẩy giá vận tải lên cao, tổn thất quặng trong quá trình vận chuyển lớn. Chuyên chở quặng nên dùng tàu lớn mới hiệu quả. 

Trong khi đó, tại khu vực gần mỏ Thạch Khê chỉ có 1 cảng dùng cho việc đậu đỗ tầu bắt đánh cá và cũng luôn bị bồi lấp, muốn dùng tàu lớn phải sử dụng cảng Nghi Thiết (Cửa Lò) hoặc Vũng Áng (Hà Tĩnh). 

Nhưng phương án này cũng phải qua nhiều lần bốc dỡ từ vận tải ô tô sang tầu biển rồi lại từ tầu biển sang ô tô. Nếu sử dụng bằng một hình thức ô tô cũng sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và làm tăng giá quặng.

Đồng quan điểm, tại hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, thời điểm trước năm 2010, sở dĩ dự án sắt Thạch Khê được tích cực nghiên cứu là do Ấn Độ hứa sẽ mua toàn bộ lượng quặng sắt của mỏ Thạch Khê sau khi khai thác. 

Tuy nhiên, sau đó họ không mua nữa, Fomosa vào Việt Nam họ cũng không cần dùng đến quặng sắt Thạch Khê. Đó chính là một trong những lý do khiến dự án bị đình lại 7 năm.

"Thời điệm hiện tại khi dự án đang được đưa ra nghiên cứu, xem xét để tái khởi động lại, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ hiệu quả kinh tế đến mức nào? Mỏ sắt Thạch Khê được định giá khoảng 35 tỷ USD, tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí khai thác, lợi nhuận là bao nhiêu, bởi không thể khai thác khi không biết có hiệu quả hay không", ông Hào nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hào, quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng kẽm cao, không thể bán đại trà vì loại quặng này người kén người mua. Trong khi đó, việc khai thác gặp nhiều khó khăn do địa chất, thiên tai… rất có thể sẽ dẫn đến chi phí sản xuất bị đội giá lên quá lớn khiến sản phẩm khó cạnh tranh và nguy cơ thua lỗ.

Cần tính toán lại lợi nhuận

TS. Nguyễn Thành Vạn, Tổng hội Địa chất Việt Nam chia sẻ, năm 2009, hồ sơ của dự án mỏ sắt Thạch Khê đã chứng minh được tính khả thi cuả dự án và đạt được sự đồng thuận rất cao, tuy nhiên, khi dự án đi vào thực tiễn đã không thực hiện được. Từ năm 2011 đến nay, TIC cùng với các bộ ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước đã nỗ lực rất cao để hoàn thiện bộ hồ sơ. 

"Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án đã rất đầy đủ. Điều này có nghĩa lại một lần nữa chúng ta có bộ hồ sơ rất đẹp. Tuy nhiên, điều gì khẳng định chắc chắn rằng sẽ không lặp lại những sai lầm đã xảy ra trong quá khứ đối với câu chuyện năm 2009", ông Vạn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thành Vạn cũng cho rằng, về tính hiệu quả của dự án, năm 2009, Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ cho phép khai thác 230 triệu tấn, tức đây là trữ lượng khai thác có tính khả thi nhất vào thời điểm đó. Đến thời điểm hiện tại, TIC có đưa ra trữ lượng khai thác là 369,9 triệu tấn, tăng 68% so với 230 triệu tấn năm 2009 và phân tích lợi nhuận của dự án dựa trên trữ lượng mới chứ không phải theo trữ lượng đã cấp phép ban đầu. Như vậy, xuất hiện một bài toán mới là liệu tiếp tục triển khai dự án này trên hiệu quả kinh tế 230 triệu tấn có khả thi không ? 

"Về vấn đề năng lực chủ đầu từ, theo quy định của Luật Khoáng sản, chủ đầu tư phải có vốn sở hữu ít nhất vằng 30% tổng vốn đầu tư dự án. Trong khi đó, hiện TIC vẫn chưa đạt 30%, vì vậy, TIC chưa đủ năng lực để triển khai dự án này" ông Vạn cho biết.

Ông Lê Văn Cương (người mặc áo trắng đứng phát biểu), Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam tham luận tại hội thảo

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Cương, Hội Khoa học và công nghệ Mỏ Việt Nam cũng cho rằng, dự án cần minh bạch trong phân tích dự án, hiệu quả kinh tế còn rất nhiều ẩn số, tác động môi trường chưa được đánh giá đẩy đủ... 

"Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ lặp lại bài học như vụ Bô-xít Tây Nguyên. Năm 2009, nếu chúng ta chịu mất 140 triệu USD thì sẽ không mất hàng trăm tỷ USD sau này. Nhưng chũng ta đã không làm như vậy. Do đó, tốt nhất các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học cùng chủ đầu tư dự án cần tiếp tục nghiên cứu thẩm định đánh giá thật kỹ tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế cũng như những ảnh hưởng tác động môi trường… tránh những bài học đắt giá sau này", ông Cương nhấn mạnh.