Băn khoăn duy nhất về cơ chế đặc thù cho TP. HCM

Ngọc Hải - 06:00, 21/11/2017

TheLEADERHầu như các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. Chỉ có duy nhất cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản khiến một số đại biểu băn khoăn.

Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được Quốc hội thảo luận chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Chẳng hạn, cho phép TP.HCM tự quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng ngân sách Nhà nước, được tăng giới hạn nợ vay từ 70% hiện nay lên 90%, được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất từ bán tài sản Nhà nước, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất…

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này của cơ quan cấp trên, nhưng dự kiến sẽ phân quyền cho Thành phố thực hiện trong thời gian thí điểm 5 năm.

Hầu như các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với những cơ chế đặc thù để TP.HCM có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố và kéo theo sự tăng trưởng chung của cả nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TP. HCM đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất và mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước, chiếm 1/5 GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,6 lần cả nước và có số doanh nghiệp chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

“Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ, như vậy thành phố phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước”, ông Dũng nhận xét.

Theo Bộ trưởng, TP.HCM hiện đang đóng góp gần 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm và quan trọng hơn thành phố là địa bàn đóng góp lớn nhất vào thu của ngân sách Trung ương. Nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng có nghĩa tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố cũng chậm lại, từ đó tác động trực tiếp đến cân đối thu của ngân sách Trung ương do trên 80% các khoản thu phân chia nội địa cộng với 100% số thu xuất nhập khẩu và dầu thô trên địa bàn Thành phố thuộc ngân sách Trung ương.

Từng học tập và sinh sống tại TP.HCM, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, TP.HCM đang đối mặt mới năm thách thức lớn, đó là kết cấu hạ tầng không theo kịp, cản trở phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu trong thời gian gần đây giảm, tỷ lệ ngân sách giữ lại cho phát triển còn thấp, tỷ lệ người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật cao nhất cả nước, tỷ xuất sinh thấp nhất cả nước.

Ông Bình dẫn tính toán của các chuyên gia để nhận xét: “Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ giảm sút liên tục.”

Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 là 11,4%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 9,72%/năm, theo dự báo giai đoạn 2016-2020 là 7,55%.

Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 6,72% và giai đoạn 2026-2030 là 6,36%. Nếu có cơ chế đặc thù thì khả năng tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là 8,13% và giai đoạn 2026 - 2030 là 8,67%.

Băn khoăn duy nhất về trao cơ chế đặc thù cho TP. HCM
Tăng trưởng kinh tế của TP. HCM ảnh hưởng chung đến tăng trưởng của cả nước

Điều băn khoăn duy nhất của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) và một số đại biểu khác là việc thí điểm áp dụng thuế tài sản đối với TP.HCM.

Ở nhiều nước trên thế giới thì tỷ lệ thu từ thuế tài sản chiếm một phần quan trọng trong tổng số thu từ thuế, như ở Nhật thì chiếm 10%, ở Thụy Điển 7%, ở Canada là 4%, tuy nhiên ở Việt Nam thì số thu từ sử dụng đất cho những năm qua là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP.

Theo bà Mai, việc ban hành một đạo luật là thuế tài sản để áp dụng trên phạm vi toàn quốc là hoàn toàn cần thiết nhưng nếu chỉ áp dụng đối với TP.HCM thì cần cân nhắc thêm bởi năm lý do.

Thứ nhất, đó là việc ban hành thuế tài sản áp dụng riêng và mang tính thí điểm sẽ có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc áp dụng và thực thi chính sách. Trên thực tế có rất nhiều người được coi là đại gia về bất động sản, nếu như có tài sản, có nhà đất ở những địa bàn khác thì không phải nộp thuế, trong khi người dân có đất đai, tài sản tại TP.HCM lại là đối tượng chịu thuế.

Thứ hai, việc ban hành cơ chế đặc thù là nhằm tăng tính hấp dẫn cho TP.HCM, khắc phục được tình trạng kém thu hút đầu tư của Thành phố trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế tài sản, bà Mai cho rằng sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, chỉ số hấp dẫn của TP.HCM trên bảng xếp hạng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thứ ba, điều kiện cần và đủ để áp dụng thuế tài sản chưa thực sự đồng bộ. Muốn áp dụng thuê tài sản cần có cơ sở dữ liệu hiện đại mang tính chuẩn xác về thực trạng bất động sản, nhà nước phải có hệ thống đo đạc hồ sơ địa chính hoàn toàn chuẩn xác, có hệ thống định giá bất động sản mang tính khoa học hợp lý, có hệ thống chứng minh thu nhập và nguồn gốc tài sản và phải chuẩn bị về mặt tâm lý đối với người nộp thuế.

Thứ tư, việc áp dụng thí điểm có thể chưa đảm bảo thời hạn cần thiết. Dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu ban hành Luật thuế tài sản áp dụng trên toàn quốc mang tính khả thi.

Thứ năm, nếu chỉ thí điểm ở TP.HCM, nếu không không phù hợp thì sẽ sửa, nhưng trong trường hợp thí điểm xong mà không áp dụng trên toàn quốc thì đối với những người đã nộp thuế tại TP.HCM sẽ tính toán như thế nào.

Đại biểu Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) thì băn khoăn nếu chỉ triển khai thí điểm đánh thuế tài sản ở TP. HCM có thể tạo độ vênh lớn về môi trường đầu tư, nên trong giai đoạn thí điểm cần thực hiện ở cả Hà Nội và TP.HCM.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận thuế tài sản là sắc thuế mới và khó, cần có sự đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác, đồng thời cần sự đồng thuận nên cần phải có thí điểm để tổng kết nhân rộng.