Báo Nhật: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 'ví dụ điển hình' về các nhà thầu Trung Quốc có vấn đề

Hồ Mai - 14:53, 22/09/2017

TheLEADERTheo Nhật báo Nikkei, hầu hết các dự án của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam đều gây quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức.

Báo Nhật: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 'ví dụ điển hình' về các nhà thầu Trung Quốc có vấn đề
Kế hoạch chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông bị hoãn vì chậm thủ tục giải ngân vốn. Ảnh: Nikkei

Việc hoãn kế hoạch chạy thử tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay là vì dự án đang vướng mắc về khâu giải ngân số tiền hơn 250 triệu USD từ hiệp định bổ sung vốn. Số kinh phí này bị chậm do các thủ tục pháp lý từ các bộ, ngành, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). 

Chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Cục Đường Sắt Việt Nam và nhà thầu là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc theo vốn đầu tư ODA.

Việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội này được lập dự án từ năm 2008 đến năm 2013 với kinh phí 552 triệu USD, trong đó 419 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự án đến tận năm 2011 mới chính thức khởi công. Chi phí đội lên đến 868 triệu USD năm 2016 với 250 triệu USD từ hiệp định bổ sung vốn.

Việc giải ngân khoản vốn này đáng lẽ phải được tiến hành hồi tháng 3, nhưng đã bị trì hoãn do các thủ tục phức tạp tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Nhật báo Nikkei Asean Review đánh giá: "Việc hoãn chạy thử là vấn đề mới nhất của dự án đường sắt gây tranh cãi này, vốn để xảy ra nhiều tai nạn, thương vong".

"Vật liệu kém chất lượng, việc lắp đặt bị lỗi và công nhân tay nghề kém đã gây ra mối quan ngại về an toàn", theo Nikkei.

Nikkei cho rằng, "tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là ví dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề". Khảo sát cho thấy, hầu hết các dự án này đều gây quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức. 

Trong đó, điển hình là các dự án sân vận động quốc gia Mỹ Đình với vốn đầu tư 69 triệu USD, dự án mở rộng khu phức hợp thép trị giá 360 triệu USD ở Thái Nguyên, nhà máy sắt thép 264 triệu USD ở Lào Cai, dự án bauxite-nhôm trị giá 1,4 tỷ USD ở Tây Nguyên, các dự án xử lý chất thải, nhiệt điện, dệt may...

Điểm chung của các dự án này, theo Nikkei là giá bỏ thầu thấp và chi phí đầu tư rẻ. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều này sẽ gây tốn kém về lâu dài bởi chi phí sẽ tiếp tục leo thang và kết quả chất lượng thấp.

Việc để xảy ra sai sót, thiết bị quá cũ, gây tai nạn tại các dự án này đã trở nên phổ biến, gây mất lòng tin về các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều dự án đang được tái thẩm định lại, trong đó có các dự án nằm trong 12 dự án yếu kém ngành công thương.

Nikkei cũng nhận định "Hà Nội đang bị mắc kẹt với các dự án giá rẻ, chất lượng thấp".

Tờ báo này cho rằng, "sự thèm khát vốn thúc đẩy một số nhà đầu tư trong nước phớt lờ quan ngại của công chúng để tiếp tay cho các đối tác Trung Quốc".

Tháng trước, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và đối tác Trung Quốc là tập đoàn Sunshine Kaidi New Energy, đã đề xuất xây sân bay quốc tế Long Thành trị giá nhiều tỷ đô theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các công ty này hứa hẹn sẽ hoàn thành dự án trong vòng 3 đến 5 năm "với mức chi phí thấp nhất có thể".

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng nêu quan ngại về an ninh quốc gia sau khi hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cùng trang web của hãng hàng không Vietnam Airlines từng bị nhóm tin tặc, được cho là tin tặc Trung Quốc, tấn công hồi năm ngoái.