Bất động sản đứng đầu về tốc độ tăng doanh nghiệp năm 2017

An Nhiên - 15:50, 25/12/2017

TheLEADERSố lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong năm 2017 đạt kỷ lục với hơn 153 nghìn. Trong đó, bất động sản tăng mạnh nhất với 62,0% so với 2016.

Doanh nghiệp bất động sản mới thành lập đứng đầu về tốc độ gia tăng và số vốn đăng ký

Trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn  3.165 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.296 nghìn tỷ đồng.

Thêm vào đó, có 35.276 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn, với số vốn đăng ký tăng thêm hơn 1.869 nghìn tỷ đồng.

Số doanh nghiệp mới đã tăng 15,2% so với năm 2016 và tăng 45,4% về số vốn đăng ký.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm trước.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là 1.161.321 lao động, giảm 8,4% so với năm trước.

So sánh giữa năm 2017 và năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tăng 1,5 lần. 

Doanh nghiệp bất động sản mới thành lập đứng đầu về tốc độ gia tăng và số vốn đăng ký 1

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng giảm ở số lao động đăng ký; ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký; ngành vận tải kho bãi giảm cả về số lượng doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký. 

Các ngành còn lại đều tăng ở cả 3 chỉ tiêu là số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký.

Về số doanh nghiệp đăng ký, trong năm nay lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy có 45.411 doanh nghiệp, chiếm 35,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 16.191 doanh nghiệp, chiếm 12,8%; Xây dựng có 16.035 doanh nghiệp, chiếm 12,6%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 9.392 doanh nghiệp, chiếm 7,4%;...

Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp cho thấy, ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất với 62,0%.

Về số vốn đăng ký, trong năm 2017 so với cùng kỳ năm trước thì ngành Kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 388.376 tỷ đồng, chiếm 30,0%; tiếp đến là Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 198.042 tỷ đồng, chiếm 15,3%; Xây dựng có 190.823 tỷ đồng, chiếm 14,7%; ....

Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp trong năm vừa qua một số ngành có tỷ trọng cao như Kinh doanh bất động sản đạt 76,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đạt 65,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; ...

Có thể thấy, trong năm vừa qua ngành Kinh doanh bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút rất lớn lượng vốn doanh nghiệp đổ vào đầu tư so với các ngành còn lại.

Về số lao động đăng ký, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 430.622 lao động, chiếm 37,1%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 260.642 lao động, chiếm 22,4%; ...

Một số ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao, gồm có: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang là ngành chiếm tỷ trọng lao động cao nhất trong các ngành kinh tế với 26,6 lao động/doanh nghiệp; tiếp đó là ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 14,0 lao động/doanh nghiệp; ...

Như vậy, xét về số lao động đăng ký và tỷ trọng lao động thì ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế hơn các ngành còn lại nhưng xét về tỷ lệ gia tăng lao động so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành này lại giảm.