Bia Hà Nội mất thị phần ngay giữa lòng Thủ đô

Trần Anh - 14:06, 11/06/2018

TheLEADERBia Hà Nội khó có thể lặp lại một thương vụ thoái vốn thành công như cách Bia Sài Gòn đã làm.

Năm ngoái, ngành bia Việt Nam bùng nổ với hàng loạt thông tin về những thương vụ M&A. Trong đó, các đối tác ngoại sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để thâu tóm những hãng bia nội. Đỉnh điểm của hoạt động M&A trong ngành này là việc tập đoàn đồ uống Thái Lan là ThaiBev chi ra gần 5 tỷ USD để thâu tóm công ty cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco).

Không chịu thua kém, Công ty cổ phần bia Hà Nội (Habeco), cũng hoàn tất các thủ tục niêm yết lên sàn chứng khoán, chuẩn bị sẵn sàng cho một thương vụ thoái vốn lớn. Đối tác mà Habeco lựa chọn cũng là một cái tên rất nổi tiếng trong ngành đồ uống có cồn, đó là Carsberg.

Thế nhưng, sau 2 năm, cuộc hôn nhân giữa Habeco và Carlsberg vẫn không thành. Càng chờ đợi, hoạt động kinh doanh của Habeco ngày càng có dấu hiệu đình trệ và sa sút so với các đối thủ trong ngành.

Kinh doanh sa sút, thị phần mất dần

Trong đại hội cổ đông năm nay, Habeco công bố kết quả kinh doanh rất kém khả quan. Sản lượng tiêu thụ của công ty mẹ đạt 479 triệu lít, giảm 9%. Doanh thu thuần đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, không đổi trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 657 tỷ đồng, giảm 32%.

Thị phần tính theo sản lượng tiêu thụ của Habeco giảm từ 18,9% trong năm 2016 xuống còn 16,2% trong năm 2017, chủ yếu do sản phẩm truyền thống của công ty là bia chai Hà Nội nhãn đỏ 420 ml tiêu thụ kém với sản lượng tiêu thụ giảm 24,1%.

Việc ngành bia trong nước đã bắt đầu bước vào trạng thái tăng trưởng bão hòa, với tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 7%/năm, kết hợp với việc phải cạnh tranh với các hãng bia lớn như Heineken, Sabeco và các công ty bia nước ngoài có chính sách bán hàng, marketing hiệu quả khiến Habeco lúng túng.

Sản phẩm của Habeco cũng kém đa dạng hơn so với đối thủ. Thị trường bia ở Việt Nam ngày càng phân mảnh với nhiều dòng sản phẩm như bia cao cấp, bia trung cấp và bình dân cùng với một số dòng bia khác. Đối với các doanh nghiệp sản xuất bia tham vọng mở rộng toàn quốc, việc có mặt ở từng dòng sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, Sabeco hiện bán 9 sản phẩm, bao gồm bia chai và bia lon thương hiệu Hà Nội và Trúc Bạch cũng như bia hơi thương hiệu Hà Nội. Trong khi đó, danh mục của Sabeco gồm 11 sản phẩm.

Các công ty phân tích đánh giá, Bia Hà Nội là thương hiệu mang tính truyền thống và không thu hút được đối tượng người tiêu dùng chính là người trẻ ở khu vực thành thị có thu nhập cao.

Bên cạnh đó chiến lược phân phối và marketing của Habeco cũng tỏ ra yếu thế hơn đối thủ. Dù sở hữu 16,2% thị phần toàn quốc tính theo sản lượng tiêu thụ nhưng vẫn chỉ được xem là thương hiệu bia địa phương khi lượng tiêu thụ và phân phối ngoài 25 tỉnh phía Bắc còn hạn chế.

Bia Hà Nội mất thị phần ngay giữa lòng Thủ đô
Dù nắm 16,2% thị phần, bia Hà Nội vẫn chỉ được xếp vào nhóm thương hiệu địa phương

Ở mặt ngược lại, Sabeco với chính sách quảng cáo và hệ thống phân phối trải rộng đang tiêu thụ tốt ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng như khắp vùng Nam Bộ với hơn 50% thị phần ở hai thị trường này. Mạng lưới phân phối của Sabeco ở phía Bắc cũng ngày càng nhiều hơn và họ đã đạt hơn 10% thị phần ở miền Bắc. Chiến lược marketing của Sabeco trong những năm gần đây có nhiều cải thiện và nhờ vậy lượng tiêu thụ cũng tăng nhanh hơn.

Kết quả, Habeco cho thấy mình đang thua sút ngay chính trên sân nhà khi thị phần thực tế của Habeco đã mất dần, từ 20% trong năm 2015 xuống chỉ còn 16,2% vào cuối năm 2017.

Chứng khoán HSC dự báo, thị phần của Habeco có thể giảm tiếp xuống còn 15,3% trong năm 2018 do không có chiến lược cụ thể nào để chống lại sự xâm lấn của các hãng bia khác.

Cổ đông lớn thờ ơ

Hoạt động kinh doanh sa sút có một phần nguyên nhân đến từ việc ban quản trị của Habeco không còn nhiều động lực lèo lái doanh nghiệp. Habeco nằm trong danh sách thoái toàn bộ vốn Nhà nước, vì vậy, các kế hoạch phát triển thương hiệu Habeco đều được lùi lại, chờ đơn vị mới đến tiếp quản.

Bộ Công thương, đơn vị chủ quản của Habeco vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược để thoái một phần hoặc toàn bộ 81,79% cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này, vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đối tác chiến lược, song kết quả không có nhiều tiến triển.

Carlsberg, cổ đông ngoại lớn nhất của Habeco, về lý thuyết, là nhà đầu tư tiềm năng nhất cho kế hoạch thoái vốn. Tính tới cuối năm 2016, tập đoàn Đan Mạch nắm giữ trên 17% cổ phần tại Habeco và không ngần ngại tỏ ý muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 61%. Có những thời điểm, giá cổ phiếu của Habeco liên tục tăng, có thời điểm lên tới trên 170.000 đồng/cp với kỳ vọng Carsberg sẽ mua cổ phần Habeco theo giá thị trường, tương tự như cách ThaiBev đã làm với Sabeco.

Mặc dù vậy, thời gian trôi qua, kỳ vọng về một thương vụ thoái vốn khủng cũng ngày một ít dần. Những tín hiệu từ phía Carlsberg cho thấy, doanh nghiệp này không sẵn sàng mua bằng mọi giá như cách mà ThaiBev đã làm.

Về phía Nhà nước, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong vụ việc thoái vốn tại Habeco là cam kết trong hợp đồng đã ký với Carlsberg, trong đó ưu tiên Carlsberg mua cổ phần nhà nước tại Habeco.

Không đạt được thỏa thuận chung về mức giá bán, thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Habeco đứng trương nguy cơ tiếp tục kéo dài. Trong trường hợp không thể có tiếng nói chung, Nhà nước có thể cân nhắc tìm kiếm đối tác chiến lược khác như trường hợp của ACV. Vấn đề lớn nhất của Habeco là thời gian càng kéo dài, rủi ro cạnh tranh càng lớn vì kết quả kinh doanh của Habeco đang có dấu hiệu đi xuống, dần bị các đối thủ khác như Sabeco, Heineiken bỏ lại đằng sau trong cuộc chiến giành lại thị phần.

Không loại trừ khả năng Carlsberg muốn "dìm giá" Habeco, chờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này bết bát rồi thâu tóm với giá rẻ mạt. Mặc dù vậy, một cách khách quan, việc nhà đầu tư ngoại như Carlsberg cẩn trọng trong thương vụ với Habeco cũng là điều dễ hiểu. 

Trước đó, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A với doanh nghiệp nội mà kết quả là nhà đầu tư ngoại ngậm trái đắng. Có thể kể tới như kế hoạch thâu tóm Công ty cồn rượu Hà Nội (Halico) – đơn vị sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội nổi tiếng của đại gia rượu ngoại Diageo.

Tưng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” trong ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam, Diageo định giá Halico tới 4.300 tỷ đồng và thâu tóm 45,5% cổ phần của Halico với mức giá 213.000 đồng/cp. Tuy nhiên, khi những hoạt động phi pháp từ công ty sân sau của Halico hé lộ, kết quả kinh doanh của đơn vị này từ lãi thành lỗ lớn.Kế hoạch thâu tóm của Diageo cũng bị rời lại cho tới tận bây giờ.

Báo cáo thường niên của Diageo năm 2015 cho hay, công ty này phải trích lập 41 triệu bảng Anh, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Halico.

Với trường hợp Habeco, dù đã niêm yết trên sàn chứng khoán, song công ty cũng cho thấy hoạt động mình chưa hoàn toàn minh bạch khi thường chỉ cung cấp báo cáo công ty mẹ, mà hiếm khi nhắc tới hoạt động của 17 công ty con đứng sau.