Bitcoin sẽ tiêu tốn điện năng nhiều hơn cả thế giới vào năm 2020

Đỗ Dung - 16:09, 18/12/2017

TheLEADERLiệu thế giới có đủ khả năng để duy trì được Bitcoin khi đồng tiền ảo này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như các ngân hàng trung ương cả tích cực lẫn tiêu cực.

Bitcoin sẽ tiêu tốn điện năng nhiều hơn cả thế giới vào năm 2020
Thiết bị khai thác Bitcoin. Ảnh: CNBC

Vấn đề đặt ra ở đây là việc tạo ra Bitcoin đòi hỏi một nguồn năng lượng đáng kinh ngạc. Ví dụ như lượng điện được sử dụng cho một giao dịch Bitcoin có thể cung cấp điện cho một ngôi nhà trong thời gian một tháng.

Theo một nghiên cứu gần đây, việc khai thác mỏ Bitcoin hay quá trình sản xuất Bitcoin hiện nay tiêu tốn một lượng điện bằng với lượng điện mà cả nước Đan Mạch tiêu thụ trong vòng một năm.

Việc khai thác Bitcoin thậm chí còn sử dụng nhiều điện hơn các quốc gia như Ireland, Serbia hay Bahrain.

Năng lượng trong khai thác Bitcoin hiện nay đang tăng với tốc độ 25% mỗi tháng và với tốc độ này, lượng tiêu thụ điện của Bitcoin sẽ bằng với nước Mỹ tiêu thụ vào năm 2019.

Dự báo đến năm 2020, khai thác mỏ Bitcoin có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với lượng điện dùng cho cả thế giới.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng 60% thu nhập của người đào Bitcoin sẽ trả cho các chi phí hoạt động, bao gồm cả hóa đơn tiền điện.

Rất nhiều cuộc thảo luận được đưa ra về việc liệu Bitcoin hoặc các đồng tiền ảo khác có thể thay thế các đồng tiền hiện tại đang được giao dịch và ban hành bởi chính phủ thì một câu hỏi quan trọng khác dường như đang bị bỏ qua, hoặc được tránh đi bởi các nhà đầu tư cùng các nhà hoạch định chính sách.

Đó là câu hỏi về việc liệu thế giới có đủ khả năng tiếp tục Bitcoin với số lượng khủng nguồn tài nguyên đang được sử dụng để khai thác đồng tiền này.

Tại sao khai thác Bitcoin lại đắt?

Bitcoin được tạo ra thông qua việc tạo ra các khối, các chuỗi giao dịch, xác minh giao dịch là đúng và trả lời các thuật toán.

Mặc dù nghe có vẻ khó hiểu nhưng toàn bộ hệ thống tạo ra Bitcoin phụ thuộc vào một sổ cái điện tử. Theo lý thuyết, sổ cái này giúp loại bỏ những rủi ro liên quan đến gian lận và trộm cắp.

Cứ 10 phút một chuỗi mới lại được tạo ra và việc sử dụng các thuật toán phức tạp và yêu cầu nhiều năng lượng là một phần trong việc đảm bảo mức độ độc quyền.

Theo Business Insider, việc giao dịch Bitcoin sử dụng rất nhiều điện như một phương thức khiến cho các giao dịch xác minh trở nên đắt đỏ, từ đó gây tốn kém cho các giao dịch gian lận và ngăn chặn những người có ý muốn lạm dụng.

Theo nhà kinh tế học ING Teunis Brosens, một giao dịch Bitcoin đơn lẻ sử dụng 200 kWh và con số này cao hơn rất nhiều khi so với các hệ thống giao dịch khác. Ví dụ, một khoản thanh toán bằng thẻ Visa cơ bản yêu cầu 0,01 kWh, còn Ethereum thì sử dụng 37 kWh.

Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về lợi ích chi phí của Bitcoin, không chỉ đối với người dùng mà còn cho phần còn lại của thế giới này.

Hiện nay thế giới vẫn chủ yếu dựa vào than đá, khí đốt và dầu để sản xuất điện do đó, việc sử dụng các thuật toán yêu cầu nhiều năng lượng để tại ra Bitcoin sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta đang đốt cháy nhiên liệu hóa thạch chỉ để cho các giao dịch có thể diễn ra.

Và điều này không tốt cho hành tinh này hoặc cho sức khoẻ của chúng ta.

Liệu thế giới kỹ thuật số có bền vững không?

Mặc dù Bitcoin là một trong những ví dụ điển hình cho việc tiêu tốn nhiên liệu nhưng nó không phải là duy nhất. Toàn bộ thế giới kỹ thuật số hiện đang phụ thuộc vào nguồn điện để duy trì các trung tâm dữ liệu tại các nền kinh tế hiện đại.

Theo số liệu thống kê năm 2013, các trung tâm dữ liệu của Google đã sử dụng một lượng điện tương đương với khối lượng đủ cung cấp cho 200.000 ngôi nhà và lượng điện cần thiết để chạy một trung tâm dữ liệu lớn sẽ có thể cung cấp cho một thị trấn nhỏ tại Mỹ.

Và khi chúng ta chuyển sang những chiếc xe không người lái và các công nghệ kết nối vạn vật (Internet of things) khác, nhu cầu về năng lượng sẽ ngày càng tăng lên.

Trong khi các doanh nghiệp tìm kiếm một tương lai kỹ thuật số thì chính phủ các nước lại mong muốn sự bền vững hơn cho xã hội này. Việc làm thế nào để có thể đạt được cả hai mục tiêu cùng lúc có lẽ nên là chủ đề của các cuộc thảo luận hiện tại.