Bitcoin và tiền ảo từ phố Wall đến Đông Nam Á

Hoàng Linh - 15:41, 04/06/2018

TheLEADERTiền ảo không chỉ là mối quan tâm duy nhất của các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư mạo hiểm mà còn được sử dụng để giải quyết vấn đề tài chính tại khu vực Đông Nam Á.

Bitcoin và tiền ảo từ phố Wall đến Đông Nam Á
Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung là một trong những giải pháp tài chính đang được nhiều người tìm đến. Ảnh: CCN

Sachaknisay Sov là người đàn ông tại Campuchia, sống trong một căn phòng không có nhà bếp. Rất khó có thể nói rằng anh ấy giàu hay nghèo nhưng anh ấy có điểm chung với nhiều triệu phú khác.

Sachaknisay Sov hiện đang sử dụng một loại tiền kỹ thuật số tương tự như Bitcoin. Là một người lái taxi 31 tuổi, anh tìm kiếm cách chi trả các hóa đơn cũng như sửa chữa phương tiện thông qua việc vay 500 USD dưới dạng mã token. Số tiền này có thể giao dịch bằng tiền mặt tại một số cửa hàng cụ thể.

Trước đó, anh đã từng vay tiền từ bạn bè cũng như những người cho vay địa phương. "Khoản vay dựa trên tiền ảo hoàn toàn tốt hơn nhiều so với các khoản vay truyền thống khi có lãi suất thấp hơn", anh đánh giá.

Trước đây, anh phải trả lãi ít nhất là 18% nhưng hiện chỉ là 5%.

Anh Sachaknisay Sov đại diện cho một nhóm mới nổi tại các quốc gia đang phát triển khi tiền ảo đang đi từ phố Wall tới các con đường của Đông Nam Á.

Trong vài năm trở lại đây, tiền ảo xuất hiện nhiều trên báo chí vì tiềm năng tạo ra sự giàu có của chúng. Ví dụ như giá trị của Bitcoin đã tăng khoảng 1.500 lần trong vòng 5 năm qua, đạt gần 20.000 USD trong năm 2017.

Tại Đông Nam Á, tiền kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến vì thêm một lý do khác: chúng đang giúp doanh nghiệp giải quyết những vấn đề hàng ngày.

DApact là nhà cung cấp vốn vay nhỏ tại Phnom Penh và không giống như nhiều tổ chức tài chính tại Campuchia, doanh nghiệp này dựa vào các kí tự được theo dõi tại tiền kỹ thuật số.

Mỗi một mã token được sử dụng bởi DApact sẽ mang một mã duy nhất. Khi token được chuyển qua ứng dụng điện thoại, địa điểm bắt đầu và kết thúc sẽ được ghi lại mà không cần kiểm tra thủ công.

Điều này giúp DApact hoạt động kinh doanh với chi phí chỉ còn 1/3 so với chi phí truyền thống. Lượng tiết kiệm được sẽ được chuyển thành lãi suất thấp hơn cho khách hàng đi vay, chủ yếu là người dân nghèo.

Phương pháp này cũng giúp DApact trở thành một địa chỉ quen thuộc của các nhà đầu tư và tổ chức viện trợ quốc tế. "Đối với những người cho vay, điều quan trọng là phải minh bạch. Những gì chúng tôi cung cấp là việc kiểm soát hoàn toàn bước đi của tiền cho vay", Pierre-Marie Riviere, người đồng sáng lập của công ty cho biết.

Sự tương phản sắc nét giữa tình trạng kinh tế chưa phát triển và mức tham gia cao trong thị trường tiền kỹ thuật số không chỉ diễn ra duy nhất tại Campuchia.

Cơ quan kiểm toán và tư vấn toàn cầu KPMG ước tính rằng trong năm 2016, có tới 7/10 người tại Đông Nam Á không có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) của họ lại nhiều hơn so với Mỹ hoặc châu Âu, theo báo cáo năm 2017 của Google và Temasek. Đối với Coins, công ty có trụ sở tại Manila, đây là một cơ hội kinh doanh lớn.

Bitcoin và tiền ảo từ phố Wall đến Đông Nam Á
Hàng người đứng chờ để gửi kiều hồi. Ảnh: AFP

Ước tính hiện có khoảng 2,2 triệu người Philippines đang làm việc tại nước ngoài và hầu hết đều sử dụng dịch vụ chuyển tiền về nhà nhưng số tiền hụt đi do chi phí chuyển xuyên biên giới.

Năm 2015, Coins giới thiệu ứng dụng cho phép người dùng chuyển tiền mặt thành Bitcoin trước khi chuyển tiền điện tử về nhà, giúp giảm đáng kể chi phí.

Theo Ngân hàng Thế giới, để chuyển 200 USD từ Các Tiểu vương quốc ả Rập thống nhất về Philippines, mức phí sẽ là 4 USD khi sử dụng ứng dụng của Coins trong khi con số này sẽ là 8,52 USD nếu chuyển qua Western Union.

Tại Myanmar, các công ty khởi nghiệp địa phương đã huy động được 10,5 triệu USD bằng gọi vốn thông qua tiền ảo (ICO), theo số liệu của ICO Watchlist. Điều này giúp một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đứng trên cả Đức và Áo về giá trị ICO.

ICO là hình thức gây quỹ dựa trên tiền kỹ thuật số, tại đó các công ty sẽ tạo và bán tiền ảo để đổi lại tiền mặt hoặc một loại tiền khác được chấp nhận rộng rãi. Người mua sau đó có thể sử dụng loại tiền ảo của công ty để thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ mà công ty cung cấp cũng như coi đó là một khoản đầu tư.

Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của các loại tiền kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn nắm lấy tiềm năng. Rithy Thul, một doanh nhân từ lâu mong muốn cung cấp dịch vụ chuyển kiều hối dựa trên mã token cho người Campuchia, đã phải chững lại quy định thiếu rõ ràng. Chính phủ Campuchia không cấm sử dụng tiền ảo nhưng cũng không bày tỏ sự ủng hộ.

Không ít người nhìn tiền kỹ thuật số là rủi ro. Một số chuyên gia nghi ngại về khả năng chịu đựng của các nhóm dễ bị tổn thương trong nền kinh tế trước sự biến động của tiền ảo. Số khác lại lo lắng những người dân vùng quê với ít kinh nghiệm về tài chính có thể trở thành con mồi dễ dàng cho những kẻ lừa đảo và tội phạm mạng.