Bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Doanh nghiệp "có cửa" trốn, tránh thuế hợp pháp

Tiêu Phong - 11:24, 08/10/2017

TheLEADERPhòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân có thể gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp.

Bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Doanh nghiệp "có cửa" trốn, tránh thuế hợp pháp
Có nên bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân? Ảnh minh họa

Ngày 17/8 vừa qua, Bộ Tài chính trình lên Quốc hội xem xét dự thảo sửa đổi năm luật thuế bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế tài nguyên.

Thực tế hiện nay, các cơ quan thuế đang gặp tình trạng quá tải khi làm hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân để hoàn thuế vào khoảng tháng 3 hàng năm. Từ đó, dự thảo đề xuất hai phương án: (1) bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân; hoặc (2) quy định ngưỡng hoàn thuế hay nộp thêm từ 300.000 đồng trở xuống thì không cần quyết toán.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp gửi ban soạn thảo dự thảo sửa đổi 5 luật thuế. 

Theo văn bản góp ý kiến của VCCI gửi ban soạn thảo, nếu áp dụng phương án 1 thì có thể giúp giảm rất nhiều chi phí làm thủ tục quyết toán thuế của cả người dân và cơ quan thuế, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính luỹ tiến của thuế thu nhập cá nhân và gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp.

Thứ nhất, tính luỹ tiến là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thuế thu nhập cá nhân, giúp tái phân phối tài sản trong xã hội. Khi bỏ quyết toán thuế đối với thu nhập từ nhiều nguồn và thu nhập vãng lai sẽ làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao.

Những cá nhân có thu nhập rất cao lên đến khung thuế suất 20%, 28%, thậm chí 35% và trong đó có nhiều thu nhập vãng lai (như những cá nhân nổi tiếng thu nhập từ chương trình biểu diễn hoặc hợp đồng quảng cáo) sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc bỏ quyết toán thuế. Bởi khi đó, họ sẽ chỉ phải chịu mức thuế suất khấu trừ tại nguồn 10% thay vì mức thuế suất cao của phần thu nhập rất cao.

Ngược lại, đối với những cá nhân có thu nhập thấp hưởng thu nhập vãng lai (như người lao động thời vụ) thì khoản hoàn thuế vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng lại rất có ý nghĩa với họ. Việc bỏ quyết toán thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người lao động như vậy.

Thứ hai, việc bỏ quyết toán thuế còn có thể có khả năng gây ra tình trạng tránh thuế của các doanh nghiệp. Ví dụ, để giảm số thuế phải nộp cho người lao động có thu nhập cao, một doanh nghiệp có thể tách thành nhiều doanh nghiệp, ký nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê khoán (thu nhập vãng lai). Cách làm này sẽ dễ dàng giảm đáng kể số thuế phải nộp cho những cá nhân thu nhập cao, và không phản ánh đúng bản chất luỹ tiến của loại thuế này.

Nếu áp dụng phương án 2, tuỳ thuộc vào ngưỡng giá trị cụ thể sẽ giúp giảm số lượng cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế đối với những cá nhân có mức thu nhập trung bình. Tính chất tái phân phối thu nhập xã hội đối với những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc rất thấp không bị mất đi.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 2 như trong tờ trình của dự thảo. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm phương án phân loại đối tượng nhằm giãn thời gian làm thủ tục quyết toán thuế, tránh dồn vào một thời điểm trong năm như vừa qua.