Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải vì sao chi phí logistics đắt đỏ

Quỳnh Chi - 10:19, 25/01/2018

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngành giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân làm chi phí logistics tăng cao như hiện nay

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải vì sao chi phí logistics đắt đỏ
Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chi phí logistics của Việt Nam hiện đang rất cao, chiếm khoảng 20-25% GDP trong khi các nước phát triển như Singapore chỉ 8%. Trong toàn bộ chi phí logistics này, ngành giao thông vận tải chiếm tới khoảng 60%.

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu muốn giảm được chi phí logistics, chi phí trung gian cần được giảm bớt, đặc biệt thông qua việc liên kết chặt chẽ các hình thức giao thông vận tải.

Hiện nay, hệ thống đường sắt của Việt Nam chạy từ Bắc đến Nam nhưng vẫn chỉ là đường một chiều với khổ đường ray 1000mm là chủ yếu, chưa có các tuyến đường kết nối với các cảng biển quốc tế để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển các dịch vụ logistics.

Chính điều này đã khiến hàng hóa ở các cảng khó lưu thông, gây lộn xộn và ùn tắc với hàng đoàn xe container nối đuôi nhau trên các đường quốc lộ.

Dẫn chứng điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM có rất nhiều cảng và khu công nghiệp lớn nhưng lại không có đường ô tô hay đường sắt chuyên dùng để phục vụ công việc vận chuyển hàng hóa; khiến xe ô tô chở hàng phải chạy vào các khu dân sinh.

Bộ trưởng Giao thông: Các hình thức giao thông vận tải chưa liên kết
Các dòng xe container nối đuôi chạy trên các con đường dân sinh.

Bên cạnh hệ thống đường sắt, đường thủy cũng được đánh giá là một loại hình giao thông rất thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa được tận dụng để kết nối và vận chuyển hàng hóa. 

Hiện nay, hầu hết các loại hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ, kể cả các hàng hóa trong lĩnh vực xây dựng như xi măng, sắt thép.

Bộ trưởng cho rằng hình thức vận tải biển chưa được đầu tư nhiều mặc dù biển đã có sẵn và chỉ cần mua phương tiện, có doanh nghiệp và thu hút được hàng cần vận chuyển là sẽ phát triển. Trong khi đó, đường bộ muốn phát triển được là phải đầu tư làm đường; cứ khoảng 10km đường thì phải tốn chi phí lên tới hàng tỷ đồng.

"Các loại hình giao thông hiện nay đang được triển khai xây dựng một cách manh mún, nhỏ lẻ và không có kết nối tốt dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa thường bị phát sinh thêm chi phí", người đứng đầu Bộ giao thông vận tải nhìn nhận.

Do đó, Bộ trưởng đề xuất cần có một sự điều chỉnh về huyết mạch giao thông cũng như quy hoạch giao thông ở các khu vực trọng điểm; cần có chính sách để phát triển hài hòa các loại hình vận tải. Có như vậy, hệ thống giao thông của Việt Nam mới thực sự hoàn chỉnh.