Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tôi không tư túi khi ký dự án BOT Cai Lậy'

Minh Anh - 20:21, 18/01/2018

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định "không bẻ cong, không tư túi, không lợi ích nhóm" khi nói về trách nhiệm của mình đối với việc ký hợp đồng dự án BOT Cai Lậy,

Chiều 18/1, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành giao thông vận tải và một số nội dung liên quan đến các dự án BOT.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Khi làm thứ trưởng, tôi đã ký dự án BOT Cai Lậy. Tôi khẳng định không bẻ cong không tư túi, không lợi ích nhóm".

Với dự án BOT, 7 bộ ngành đều có trách nhiệm, bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương chứ không chỉ của riêng Bộ Giao thông vận tải. Ít nhất Phó thủ tướng Chính phủ đồng ý mới được làm dự án BOT. Những vấn đề vượt thẩm quyền, bộ đều phải báo cáo và xin ý kiến Chính phủ, ông Thể cho hay.

Cũng theo ông Thể khẳng định, nói trạm BOT Cai Lậy đặt nhầm chỗ là không chính xác, hiện nay chỉ là nơi đặt chưa hợp lý. "Nhầm" là sai từ đầu, còn ở đây chỉ là vấn đề thời điểm, lúc xác định đặt chính sách là vậy, bây giờ chính sách thay đổi thành ra chưa hợp lý thôi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Tôi không tư túi khi ký dự án BOT Cai Lậy'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì họp báo. Ảnh Vũ Long

Sau BOT Cai Lậy, một số trạm BOT đòi di dời, mỗi trạm đều có các vấn đề khác nhau và phản ứng người dân. Những phản ứng hợp lý đều được xem xét. Tuy nhiên, nhiều phản ứng của người dân là trái pháp luật. 

"Hiện nay bộ đã dừng nhiều dự án BOT chậm tiến độ, không làm những dự án BOT trên đường cũ, không lặp lại như BOT Cai Lậy. Dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử. Khi hoàn thành thì vận hành theo chủ trương khi đàm phán thực hiện. Những bất cập như ở BOT Cai Lậy hay các dự án khác sẽ được xem xét xử lý cụ thể", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, từ đầu năm 2016 - 7/2017, tại một số trạm thu phí như trạm cầu Hạc Trì, quốc lộ 32, quốc lộ 6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, Hưng Yên xảy ra hiện tượng các hộ dân khu vực tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 1/1/2017, khi Luật Giá có hiệu lực, bộ đã làm việc với các nhà đầu tư, địa phương thống nhất chủ trương giảm giá cho các đối tượng bị ảnh hưởng vùng lân cận trạm thu giá. Với giải pháp này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay, đều nhận được sự đồng thuận của người dân và vận hành ổn định.

Giai đoạn từ tháng 8/2017 đến nay, Bộ Giao thông vận tải tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc tương tự như 6 trạm trên. Đến nay, bộ đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác.

Tuy nhiên, tình hình mất an ninh trận tự tại các trạm thu phí ngày càng phức tạp, lan rộng và manh động, coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật, điển hình tại Trạm Cai Lậy, Trạm Trảng Bom - Biên Hòa, Trạm Sóc Trăng.

Đến nay, việc phản ứng của một nhóm tài xế ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu giá của dự án khác, kể cả các dự không đầu tư xây dựng tuyến tránh như: Trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Sông Phan - tỉnh Bình Thuận, trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, Trạm Ninh An, Trạm Cam Thịnh.

Các hành vi phản ứng điển hình tại các trạm như một số lái xe có hành vi cản trở các phương tiện qua trạm, cố tình không mua vé, dàn hàng ngang, không di chuyển theo hướng dẫn của nhân viên trạm, cố tình gây ùn tắc. 

Một số lái xe cố tình điều khiển xe tông hỏng barier để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; quay lại đòi lại tiền đã mua vé với lý do có xe đi sau không phải mua vé khi xả trạm.

Hiện tượng đáng chú ý là có một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản đối việc mua vé; cản trở các tài xế mua vé hoặc đe dọa nhân viên bán vé lặp lại nhiều lần tại các trạm thu giá từ miền Trung đến các tỉnh Tây Nam bộ gây ùn tắc, mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của những công dân tuân thủ pháp luật.

Để xử lý bất cập tại một số trạm thu phí đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn chế để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, việc áp dụng hình thức đầu tư TPP trong đó có BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành địa phương luôn trân trọng, lắng nghe ý kiến của các tổ chức doanh nghiệp, nhân dân về điểu chỉnh mức giá sử dụng đường bộ hợp lý cho từng đối tượng sử dụng, đảm bảo hài hoà giữa lợi ịch của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Giao thông vận tải cũng khẳng định, các cơ quan chức năng của bộ, ngành, đia phương cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các kiến nghị của người dân, có hành vi chống phá, kích động cản trở giao thông vào khu vực trạm.

Giao thông vận tải sẽ tiếp tục công khai, minh bạch thông tin về các dự án BOT, tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội.