Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Khai thác titan tại Bình Thuận không gây ô nhiễm nước ngầm?

An Chi - 21:04, 04/06/2018

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, việc khai thác titan tại Bình Thuận theo phương pháp tái tuần hoàn nước không gây ô nhiễm nước ngầm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Khai thác titan tại Bình Thuận không gây ô nhiễm nước ngầm?
Một khu vực khai thác ti tan.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà chiều 4/6, nêu ra ý kiến về thực trạng khai thác titan tại Bình thuận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết, việc khai thác titan tại Bình Thuận được sử dụng hoàn toàn bằng sức nước. Trong quá trình khai thác, nước thải đã ngấm xuống tầng chứa nước, gây ô nhiễm tài nguyên nước.

Theo bà Phúc, Điều 37 Luật Tài nguyên nước đã quy định tổ chức cá nhân xả thải vào nguồn nước phải có giấy phép. Tuy nhiên, theo văn bản Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời tỉnh Bình Thuận, bộ lại cho rằng đối với hoạt động khai thác không sử dụng hoá chất phụ gia và không thải nước ra ngoài khu vực cho phép thì không cần xin giấy phép.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc khai thác và chế biến thô titan hiện nay có sử dụng nguồn nước và tái tuần hoàn nước. Đối với các trường hợp khai thác titan có ô nhiễm phóng xạ thì tuyệt đối không được khai thác hoặc có công nghệ khai thác chế biến để đảm bảo vấn đề về môi trường.

Theo ông Hà, titan Bình Thuận hoàn toàn không có phóng xạ, trong quá trình khai thác, bản thân titan đã chứa các kim loại nặng tuy nhiên, khi tái tuần hoàn nước và thực hiện kỹ thuật chế biến thì hầu hết các kim loại nặng đó đi cùng nguồn nguyên liệu chứ không lẫn trong nước.

Bên cạnh đó, theo căn cứ khoá học, ông Hà cho rằng, việc khai thác titan tái tuần hoàn nước không xả thải ra môi trường, không gây ô nhiễm xuống tầng nước dưới ngầm. Trong thời gian vừa qua, bộ cũng thực hiện thường xuyên việc giám sát nguồn nước ngầm.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong tương lai, việc dùng nước trong khai thác titan là không phù hợp, đặc biệt là với các vùng khan hiếm nước như Bình Thuận. Chính vì vậy, bộ đã kiến nghị việc cần áp dụng các công nghệ mới trong khai thác titan để vừa tiết kiệm nước vừa hạn chế chất thải ra môi trường. Hiện nay, bộ cũng đã có khuyến cáo đối với các doanh nghiệp về việc chỉ được dùng nước mặt trong khai thác titan.

Về vấn đề khai thác titan tại Bình Thuận, trước đó nhiều nhà khoa học đã cho rằng, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng sa khoáng titan lớn nhất Việt Nam, thậm chí lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây lại là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước, hệ lụy từ khai thác titan đối với môi trường là rất nghiêm trọng.

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, khai thác khoáng sản titan cần một lượng nước rất lớn. Công nghệ khai thác titan đang sử dụng là hố khai thác luôn ngập nước. Trong khi đó, các nguồn nước tại Bình Thuận rất kham hiếm, nước tại đây chỉ có trong mùa mưa, quyết định sự sống cho cả vùng.

Ông Thuận cho rằng, khai thác titan càng xuống sâu, moong khai thác càng lớn thì tác động đến môi trường càng khủng khiếp, làm cạn kiệt nguồn nước tích trữ trong các cồn cát, làm giảm độ ẩm của đất phía trên mực nước và có thể làm sụt lún mặt đất. Việc sử dụng quá mức nguồn nước trong khai thác còn kéo theo sự suy giảm nguồn nước mặt tại các sông suối, ao hồ, bầu nước, dẫn đến cạn kiệt nước trên mặt, gia tăng xâm nhập mặn vào các tầng chưa nước.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cũng nhìn nhận, phần lớn các khu vực quy hoạch, dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt. 

Theo ông Cánh, tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy, nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng càng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc sự dụng quá mức tài nguyên nước cho khai thác titan còn dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, nhiễm mặn và thay đổi nguồn nước ngầm. Thay đổi địa hình, cảnh quan, khai thác mỏ đồng nghĩa với việc đánh đổi phá hủy nhiều cảnh quan môi trường trên đất như thảm thực vật rừng gắn với phong cảnh thiên nhiên đa dạng sinh học, cảnh quan ven biển.

Việc khai thác titan ở miền Trung và Bình Thuận sẽ làm thay đổi địa hình đồi cát tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay, làm xáo trộn các tầng cát và phá vỡ liên kết tự nhiên trong tầng cát, làm giảm khả năng giữ nước ngầm. Nguy hiểm hơn, khai thác titan sẽ phá hủy thảm thực vật, mất đa dạng sinh học hệ sinh thái đặc trưng của vùng cồn cát, vị chuyên gia này khuyến cáo.