Brexit không phải là ngày "Thứ Tư Đen" mới, bởi nó còn tồi tệ hơn thế

Linh Lan - 12:13, 25/09/2017

TheLEADERMùa thu năm 2017 đánh dấu hai sự kiện bẽ bàng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đó chẳng là gì so với việc Anh sẽ rời EU.

Brexit không phải là ngày "Thứ Tư Đen" mới, bởi nó còn tồi tệ hơn thế
Báo chí phản ứng với sự kiện ngày Thứ Tư Đen vào năm 1992. Ảnh: PA Archive

Đây là một năm kỷ niệm những sự kiện chấn động đối với nền kinh tế Anh nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. "Ngày 16/9 vừa qua kỷ niệm 25 năm ngày chính quyền của Đảng Bảo thủ Anh đã buộc phải quyết định rút đồng bảng Anh khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) - "cuộc Brexit đầu tiên", và, tôi vẫn hy vọng, đó là lần duy nhất", tác giả bài viết - nhà kinh tế học William Keegan nhận định.

Tháng 11 tới sẽ kỷ niệm 50 năm sự trượt dốc 14% của đồng bảng Anh - sau quyết định phá giá của Thủ tướng Anh Harold Wilson vào năm 1967. Đồng Bảng sau đó đã không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn, minh chứng cho những tuyên bố đảm bảo của ông Harold rằng "phá giá sẽ không làm giảm giá trị đồng GBP trong túi của người Anh" là sai lầm.

Dù sao, đó cũng là những chuyện của quá khứ. Còn giờ đây, ngay cả những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã nhận ra rằng, việc mất giá đồng Bảng do cuộc trưng cầu dân ý này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả của một số lượng lớn các mặt hàng nhập khẩu và các mặt hàng thực phẩm mà bình thường người dân Anh không mấy coi trọng.

Tuy nhiên, sự mất giá vào năm 1967, một thảm hoạ làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của chính phủ, đã phần nào được coi là thành công từ phía quan điểm rằng nó giúp điều chỉnh thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, thật không may cho Đảng Lao động, một số số liệu thương mại không mấy khả quan được công bố vào đêm trước cuộc tổng tuyển cử năm 1970 đã tác động xấu đến cuộc bầu cử của ông Wilson.

Ngày nay, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Anh cũng chỉ ra kết quả kinh doanh ảm đạm của nền kinh tế Anh và các dự báo hậu Brexit của OECD cho thấy nền kinh tế đang bị các nước khác vượt mặt. Vậy làm thế nào mà Brexit có thể thúc đẩy nền kinh tế?

Đường J

Cán cân xuất nhập khẩu ảm đạm vào cuối thập niên 1960 đã phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Chúng ta sẽ dùng "đường J" (dùng để mô tả hiện tượng tài khoản vãng lai của một quốc gia sụt giảm ngay sau khi quốc gia này phá giá tiền tệ của mình và phải một thời gian sau tài khoản vãng lai mới bắt đầu được cải thiện) để minh họa cho tình trạng lúc bấy giờ: đầu tiên, giá nhập khẩu sẽ cao hơn, sau đó sự thay đổi về giá này sẽ tác động tới khối lượng xuất khẩu (tăng) và nhập khẩu (giảm).

Tuy nhiên, một trong những vấn đề của 50 năm trước là việc suy thoái ngành công nghiệp đã thu nhỏ quy mô của ngành này, làm giảm chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Còn hiện nay, chúng ta lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác mang tên Brexit.

Mặc dù có rất nhiều cơ quan thực hiện tính toán chi phí cho "cuộc hy lôn" Anh - EU, nhưng chi phí thực tế còn nằm ở sự bất ổn tiềm tàng mà Brexit gây ra: các thành phần kinh tế quan trọng rời khỏi đất nước; đầu tư và thương mại bị ảnh hưởng; và một chính phủ chia rẽ, tụt mức xếp hạng, vẫn đang tiếp tục sống trong ảo tưởng, rằng có thể tận hưởng tất cả lợi ích của khối thương mại lớn nhất thế giới và không có bất kỳ trách nhiệm nào.

Điều này gợi tôi nhớ lại ngày "Thứ Tư Đen" trong lịch sử. Trong một cuốn sách mới, các đồng tác giả của tôi và tôi cho rằng "cuộc Brexit đầu tiên", vào năm 1992, chính là cầu nối dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý vào mùa hè năm ngoái. Việc rời khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu đã làm gia tăng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong Đảng Bảo thủ Anh, theo đó, hình thành xu hướng quay lưng lại các nước thành viên của Liên minh châu Âu, và cuối cùng đưa chúng ta đến thời điểm này.

Tuy nhiên, dù sao đi nữa, Anh dường như đã ghi nhận những thành tựu kinh tế ấn tượng nhất của quốc đảo này, và vẫn đang thể hiện sự cương quyết trong quá trình đàm phán.

Thứ Tư Đen là tên mà giới kinh tế và chính trị đặt cho ngày thứ tư 16 tháng 9 năm 1992 tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Vào hôm đó, chính quyền của Đảng Bảo thủ đã buộc phải quyết định rút đồng bảng Anh khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) trước áp lực của những cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ do George Soros cầm đầu khiến cho bảng Anh mất giá mạnh. Các tính toán cho rằng Soros kiếm được từ 1 tỷ đến 2 tỷ dollar Mỹ từ vụ này, trong khi nước Anh thiệt hại 3,4 tỷ bảng Anh (ước tính của Bộ Tài chính Anh năm 1997).