Bữa trưa quyết định 'cuộc ly hôn 60 tỷ bảng' giữa Anh và EU

Linh Lan - 16:15, 30/11/2017

TheLEADERThủ tướng Anh Theresa May sẽ cùng ăn trưa với chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào thứ Hai tới (4/12) để quyết định sự thành bại của Brexit.

Bữa trưa quyết định 'cuộc ly hôn 60 tỷ bảng' giữa Anh và EU
Ảnh: Caroline Tompkins/ Bloomberg Businessweek

Thứ Hai tuần tới, bà Theresa May sẽ ngồi cùng bàn với ông Juncker trong một bữa trưa 'đắt' nhất trong lịch sử. Ông Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, là người có vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán Brexit.

Phía bên kia bàn ăn với các món ăn theo mùa và các loại rượu vang cổ điển của Brussels (Bỉ), bà May sẽ tìm cách thuyết phục ông Juncker để tiến tới thảo luận về một hiệp định thương mại mới giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) cũng như cho phép một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 2 năm giúp các doanh nghiệp Anh lên kế hoạch và điều chỉnh trước khi Brexit thực sự diễn ra.

Áp lực đang đè nặng lên vai thủ tướng Anh trước cuộc họp vào ngày 4/12. 

Nếu cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra tốt đẹp, hy vọng về một hợp đồng Brexit thành công sẽ vẫn nằm trong tầm với. Trong trường hợp ngược lại, khả năng hai bên thỏa thuận được một hiệp định thương mại chung sẽ rơi vào bế tắc bởi thời hạn cuối cùng cho cuộc đàm phán sắp kết thúc.

Theo quy định tại Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Vương quốc Anh sẽ có thời gian cho đến tháng 3/2019 để hoàn thành các 'thủ tục ly hôn' được thông qua bởi Nghị viện và tất cả các nước thành viên EU.

Phía EU đã đề nghị bà May phải đưa ra một đề xuất toàn diện hơn về 'hợp đồng ly hôn' vào ngày 4/12 tới, nhằm làm hài lòng ông Juncker, nhà thương thuyết Michel Barnier, và quan trọng nhất là lãnh đạo một số nước EU có ảnh hưởng nhất như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Họ muốn một cam kết vững chắc rằng Anh sẽ trả đầy đủ khoản phí khi rời khỏi khối, và sẽ bảo vệ quyền của công dân EU sống ở Anh sau Brexit, đồng thời, đảm bảo các biện pháp để giữ vững an ninh biên giới đất liền giữa phía bắc và nam Ireland. Chỉ khi những vấn đề trên được cam kết, EU mới tiến hành đàm phán về tương lai thương mại với Vương quốc Anh.

Bữa trưa quyết định số phận của cuộc 'ly hôn 60 tỷ bảng' giữa Anh và EU
Phía EU yêu cầu Vương quốc Anh phải trả một khoản tiền 60 tỷ bảng Anh để rời khỏi khối. Ảnh: euronews.com

Bà May đã đảm bảo rằng nội các của bà ủng hộ việc trả một khoản 'phí ly dị' cho EU. Các báo cáo chưa được xác nhận trên các phương tiện truyền thông của Anh đưa ra con số này là 45 - 55 tỷ Euro. 

Tuy nhiên, vấn đề khiến bà May đau đầu nhất hiện tại là phải làm gì với biên giới Ireland. Cộng hòa Ireland, quốc gia thành viên EU và Northern Ireland (Bắc Ailen- thuộc Vương quốc Anh) sẽ có đường biên giới mới sau Brexit.

Với sự hậu thuẫn từ phía EU, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar yêu cầu bà May phải đảm bảo bằng văn bản rằng việc Anh rời khỏi khối sẽ không dẫn đến các tranh chấp tại các điểm kiểm soát, nơi có khả năng châm ngòi lại những bất đồng vốn đã kéo dài hàng thập kỷ giữa những người theo đạo Công giáo và những người theo đạo Tin Lành.

Ở giai đoạn quan trọng này, Ireland có quyền phủ quyết và có thể gây khó khăn cho cuộc đàm phán.

Sự bất ổn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Anh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Anh từ 1,5% trong năm nay xuống 1,2% vào năm 2018, đây là con số tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Anh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Hôm 22/11, Văn phòng chịu trách nhiệm ngân sách của Anh đã cắt giảm dự báo tăng trưởng ở Vương quốc Anh năm 2017 từ 2% xuống 1,5%. Dự kiến tăng trưởng năm 2018 sẽ đạt 1,4%, và giảm xuống 1,3% vào năm 2019 và 2020.

Trong báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Anh đã bị Pháp vượt qua trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu năm 2017, theo đó, trượt khỏi top 5. Brexit đã khiến đồng bảng Anh suy yếu đáng kể, kéo theo chi tiêu tiêu dùng giảm và giá cả tăng.