Các bộ trưởng ASEAN thúc đẩy đàm phán hợp tác thương mại

Minh Hoàng - 18:13, 06/09/2017

TheLEADERCác cuộc thảo luận của các bộ trưởng thương mại diễn ra tại Philippines từ 7-11/9 tới dự kiến sẽ tập trung vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì các quốc gia vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Các bộ trưởng ASEAN thúc đẩy đàm phán hợp tác thương mại
Mục tiêu kết thúc đàm phán RCEP vào cuối năm 2017 sẽ khó đạt được. Nguồn: Nikkei Asia

Các bộ trưởng thương mại của các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thứ Năm (7/9) sẽ tiến hành một loạt các cuộc đối thoại tại thủ đô Manila, Philippines. Một trọng tâm lớn được dự kiến là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay theo kế hoạch ban đầu.

Từ thứ Năm (7/9) đến thứ Hai (11/9), các bộ trưởng thương mại của 10 nước ASEAN sẽ thảo luận về thương mại tự do và đầu tư cũng như đánh dấu các mục tiêu kinh tế của Hiệp hội đối với kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. ASEAN đã chính thức trở thành một khối kinh tế duy nhất vào năm 2015, nhưng mức độ phát triển khác biệt của các nước thành viên đã cản trở nỗ lực hội nhập.

Các nước vẫn đang nghiên cứu để hài hòa hóa các thủ tục hải quan. Những nước gia nhập sau (Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar) vẫn đang trong quá trình loại bỏ thuế quan đối với hàng hoá trong khu vực. Thứ trưởng Bộ thương mại Philippines, ông Ramon Lopez, người sẽ chủ trì các cuộc họp, nói ông sẽ thúc giục các đối tác ASEAN của mình cam kết giảm bớt các hàng rào phi thuế quan, một vấn đề gai góc của khu vực.

Cuộc họp dành riêng cho RCEP sẽ được tổ chức vào Chủ nhật (10/9). Các Bộ trưởng từ các đối tác thương mại ASEAN gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng sẽ tham gia.

16 quốc gia thành viên RCEP đã đặt mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, ông Lopez, vào hôm thứ Ba (5/9) cho biết mục tiêu trên sẽ khó đạt được.

Các nước RCEP bị mắc kẹt về tỷ lệ hàng hóa mà họ sẵn sàng tự do hóa. Một số quốc gia sẵn sàng loại bỏ thuế quan đối với 92% thương mại hàng hoá; nhưng những nước khác, đa số là các nước ngoài ASEAN, chỉ đồng ý với con số 70%.

Tiến trình đàm phán của khối RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn đã trở nên cấp bách hơn đối với các quốc gia trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) ngay khi ông nhậm chức hồi tháng Giêng. Nhiều thành viên của RCEP - như Úc, Nhật Bản, Việt Nam và Singapore - cũng là thành viên của TPP, ngoại trừ Trung Quốc. Indoneaia đã giảm sự quan tâm sau khi Mỹ rút khỏi TTP.

Các cuộc đàm phán ở Manila cũng chính là cuộc thảo luận cấp bộ trưởng của RCEP trong năm nay. Tháng tới, các nhà đàm phán RCEP sẽ tổ chức các cuộc họp cuối cùng của họ tại Hàn Quốc.