Các đặc sản vùng miền sẽ về... trẩy hội

Mộc Miên - 15:23, 24/11/2017

TheLEADERNhiều đặc sản của khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam (Đông – Tây Nam bộ) sẽ có mặt tại Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2017 - bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết.

Các đặc sản vùng miền sẽ về... trẩy hội
Thông qua những hội nghị như kết nối cung cầu đặc sản của nhiều vùng miền được giới thiệu với người tiêu dùng TP.HCM. Ảnh: MM

Bà Huỳnh Trang cũng cho biết, tính đến nay công tác chuẩn bị cho hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, đặc sản vùng miền giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã cơ bản hoàn thành.

Đã có 2.748 doanh nghiệp đăng ký tham gia

Cụ thể, đặc sản vùng miền đó là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và chế biến đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra còn có những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và hàng tiêu dùng có tiềm năng xuất khẩu.

Hội nghị kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2017 sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 8/12 đến ngày 10/12-2017 (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật) tại nhà thi đấu Phú Thọ, số 1 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP.HCM.

Ví dụ như sẽ có cam xã Đoài Cao Phong, cam canh Hòa Bình; rượu ngô Na Hang, trà San Tuyết Sinh Long Na Hang, trứng vịt lòng hồ... (Tuyên Quang); Chè Thành Sơn Trà, Chè Shan tuyết Fin Hò Trà, mật ong bạc hà Mèo Vạc, mật ong bạc hà Đồng Văn… (Hà Giang); cà phê, rượu vang sim (Kon Tum); Nho các loại, rong nho tươi, tỏi đen, nước mắm cá cơm… (Ninh Thuận); ca cao, bơ booth, bơ sáp, mắc ca sấy khô… (Đắk Lắk)….

Số lượng doanh nghiệp của TP.HCM và các tỉnh, thành tham gia giới thiệu, trưng bày hàng hóa tại hội nghị tính tới ngày 20/11 là 2.748 doanh nghiệp với 447 gian hàng. Trong đó, TP.HCM có 2.220 doanh nghiệp; 32 doanh nghiệp từ khu vực miền Bắc; 157 doanh nghiệp đến từ khu vực miền Trung và 338 doanh nghiệp đến từ khu vực miền Nam (Đông – Tây Nam bộ).

Song song với hoạt động trưng bày, hội nghị sẽ có những buổi hội thảo, tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các nhà phân phối và đơn vị cung ứng tiềm năng nhằm kết nối xuất khẩu, kết nối vào kênh phân phối hiện đại và kết nối vào kênh phân phối truyền thống.

Cũng theo bà Trang, qua năm lần tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã đạt được các kết quả như kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP.HCM và ngược lại, đưa hàng hóa TP.HCM vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành.

Không chỉ dừng lại ở kết nối hàng hóa, các hội nghị cũng đã tìm kiếm, chọn lọc được 17 doanh nghiệp các tỉnh, thành tham gia Chương trình Bình ổn thị trường; kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư… Lần gần nhất, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2016 thực hiện trong 2 ngày, kết nối được 412 hợp đồng mua bán.

Kỳ vọng thị trường TP.HCM

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) cho biết ngày 8/12 tới đây, công ty sẽ mang các đặc sản của Tây Bắc vào tiếp tục giới thiệu cho người tiêu dùng của TP.HCM. Các đặc sản như măng Kim Bôi, cam canh, bưởi diễn trồng trên đất Hòa Bình, lạc (đậu phộng) và miến dong không chứa chất độc hại. Sản phẩm miến dong này cũng đồng thời được xuất khẩu sang thị trường Hà Lan.

Theo bà Hà, đây là năm thứ hai công ty mang sản phẩm vào TP.HCM giới thiệu sau thành công của hội nghị kết nối năm 2016.

“Năm ngoái, tại hội nghị chúng tôi ký kết được năm hợp đồng với các đơn vị phân phối tại miền Tây, TP.HCM. Ngoài ra, cũng nhờ gặp gỡ tại hội nghị, một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã kết nối, đặt hàng nông sản của chúng tôi để kinh doanh. Sản lượng tiêu thụ mỗi tháng tại thị trường này đã tăng đáng kể”, bà Hà cho biết.

Cũng theo bà Hà, các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng có nhiều đặc sản, TP.HCM là thị trường tiêu thụ rộng lớn, tiềm năng, nhưng phần nhiều đặc sản đó chưa được người tiêu dùng tại TP.HCM biết tới. Vì vậy, Công ty Cổ phần nông lâm sản Kim Bôi mong muốn tiếp tục giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường.

“Tôi nghĩ, sẽ hiệu quả hơn nếu trước khi hội nghị diễn ra ban tổ chức gửi cho các doanh nghiệp tham gia danh sách các đơn vị doanh nghiệp, phân phối có nhu cầu tìm nguồn hàng. Chúng tôi có thể tự liên hệ với nhau, giới thiệu, bàn bạc trước, để việc kết nối, hợp đồng chính thức sẽ suôn sẻ, nhanh chóng hơn khi gặp trực tiếp tại hội nghị”, bà Hà đề xuất.

Mặc dù đã thâm nhập thị trường TP.HCM 10 năm, có lượng người tiêu dùng nhất định, nhưng năm nay ông Nguyễn Quốc Bảo Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoa Lan TODA (có trụ sở tại TP.HCM và nhà vườn tại Đà Lạt) quyết định tham dự hội nghị kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.

Ông Huy cho biết, TP.HCM luôn là thị trường tiềm năng và có sức tiêu thụ lớn, tâm lý, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng cũng luôn luôn thay đổi, ngoài họ luôn cần cái mới, lạ. Theo đó, lần này ông mang sản phẩm của doanh nghiệp tới gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng, mang tới loại lan hồ điệp mới của công ty để giới thiệu, quảng bá và đón nhận những đánh giá, phản hồi của người tiêu dùng để có thể cải tiến chất lượng, mẫu mã.

“Dịp tết, thị trường TP.HCM sẽ tiêu thụ một lượng lớn hoa, cây kiểng nên tôi nghĩ các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ kết nối, tiêu thụ nhiều sản phẩm hơn”, ông Huy nhấn mạnh.

Năm thứ hai tham gia hội nghị kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến Công - Xúc tiến Công Thương Hà Giang cho biết, từ hiệu quả của lần trước, năm nay các doanh nghiệp, cá nhân của tỉnh lại tiếp tục mang các đặc sản nông sản vào tìm thị trường tiêu thụ tại TP.HCM. Bà Hằng cho biết thêm, hiện tại, một số sản phẩm của Hà Giang đã được vận chuyển vào tiêu thụ ở chợ đầu mối của TP.HCM nhưng chưa vào được hệthống phân phối hiện đại, các cửa hàng kinh doanh lớn.

“Các loại nông sản của Hà Giang đạt chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, cửa hàng kinh doanh lớn sẽ nâng cao giá trị hơn, người sản xuất sẽ được lợi hơn”, bà Hằng chia sẻ thêm.