Các đại gia ngoại chọn kênh đầu tư an toàn tại Việt Nam

An Chi - 08:49, 07/07/2018

TheLEADERÔng Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, với mức sinh lợi cao, bất động sản Việt Nam đang thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Các đại gia ngoại chọn kênh đầu tư an toàn tại Việt Nam

Nhu cầu thiết thực của nhà đầu tư ngoại

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những biểu hiện của xu hướng này là làn sóng M&A đang bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua và được dự báo sẽ tiếp tục trong cả năm 2018.

Sau nhiều lần bắt tay với các nhà đầu tư Nhật, mới đây Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với hai nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5ha quận Bình Tân.

Theo thỏa thuận, Nam Long sẽ góp 50% trên toàn bộ chi phí đầu tư và phát triển của dự án Akari City. Akari City là một trong những dự án trọng điểm của Nam Long trong giai đoạn phát triển 3 - 5 năm tới với tổng vốn đầu tư khoảng 7.676 tỷ đồng, gồm 4.600 căn hộ.

Trước đó, Công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty CP Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong dự án khu phức hợp ở khu trung tâm TP. HCM Saigon Centre thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd. 

Hay như Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) để phát triển nhà ở tại khu độ thị mới Thủ Thiêm. Sau một thời gian tiến hành thương thảo, ngày 12/12/2017, CII và Hongkong Land đã chính thức tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác phát triển dự án Thủ Thiêm River Park.

Trong quý IV/2017, CapitaLand cũng đã công bố mua lại dự án căn hộ với diện tích đất rộng 1.45 ha tại Quận 4 với 53,5 triệu đô la Singapore. Giao dịch này đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại TP. HCM lên con số 9 và là dự án thứ 11 tại Việt Nam.

Một giao dịch dự án khu dân cư khác liên quan đến quỹ VinaLand, một quỹ đóng chuyên đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam và do VinaCapital quản lý, đã bán toàn bộ cổ phần trong dự án Vina Square - một khu đất phát triển có diện tích 3 ha tại Quận 5, TP. HCM - cho Công ty Bất động sản Trí Đức và thu về tiền mặt ròng có giá trị khoảng 41,2 triệu USD, trong đó bao gồm cả việc trả nợ vốn vay của cổ đông.

Sau khi hoàn thành, dự án phát triển phức hợp này sẽ cung cấp hơn 1.000 căn hộ dân cư cùng với khu bán lẻ và văn phòng. Nhu cầu cho các cao ốc văn phòng đang hoạt động ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục gia tăng.

Đáng chú ý, nếu như thời gian trước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản vốn được đánh giá là rất thận trọng trong việc đầu tư vào bất động sản nước ngoài, thì trong những năm gần đây, nhiều công ty, tập đoàn của quốc gia này đã chấp nhận rủi ro, đầu tư vào hàng loạt thương vụ bất động sản lớn tại Việt Nam. 

Việc Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long là một minh chứng điển hình. Hay Tập đoàn Đầu tư và phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) gần đây cũng vừa kêu gọi vốn 100 triệu đô la Mỹ phát triển dự án thành công từ nhà đầu tư Nhật Bản.

Đặc biệt, một trong những hoạt động đầu tư đặc biệt quan trọng phải kể đến việc tập đoàn Sumitomo trong kế hoạch đầu tư vào Hà Nội. Mới đây, tập đoàn này đã được cấp phép đầu tư dự án khu đô thị thành phố thông minh có tổng vốn đầu tư 94.349 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD) trên diện tích 271ha tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần

Lý giải nguyên nhân của của dòng vốn ngoại liên tục đổ vào bất động sản Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. 

Theo ông Troy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt mối quan tâm đặc biệt đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Quy mô nới lỏng định lượng (QE) lịch sử cho thấy mức sinh lợi vẫn còn tương đối thấp. Khi QE giảm xuống thì chắc chắn những thị trường mới nổi sẽ chịu một số áp lực, trong đó đặc biệt là hệ thống tiền tệ. Vì lẽ đó, bất động sản sẽ vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần.

Bất động sản Việt Nam là kênh đầu tư an toàn đối với các đại gia ngoại 1
Ông Troy Griffiths

Có thể thấy rằng, các hoạt động mua bán và sát nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra khá sôi động. Điểm khác biệt chính với Việt Nam vào thời điểm này là hoạt động trên thị trường chứng khoán, với hơn 1 tỷ đô la Mỹ thu về từ IPO trong quý 1/2018. Trong khi chỉ số HOSE gần đây đã tạm ngừng giao dịch thì vẫn có một số kênh đầu tư đặc biệt lớn vào các danh mục bất động sản trong tương lai gần. 

Trong lịch sử, có thể thấy rằng không có nhiều cổ phiếu bất động sản niêm yết, trong khi đó các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lại hỗ trợ tính thanh khoản rất tốt cho nhà đầu tư, dù thực tế vẫn còn nhiều quan ngại trong việc định giá. Quản trị tốt, hệ thống chuẩn mực kế toán cải tiến và thị trường chứng khoán ổn định luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với cổ phiếu bất động sản.

Theo Phó giám đốc Điều hành Savills, nhìn chung mức sinh lợi cao luôn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi so sánh thị trường Việt Nam với khu vực. Tỉ lệ lợi tức cho thuê trên tổng tài sản hợp lí cùng với hệ số lãi vốn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, việc giảm thiểu tình trạng ‘rủi ro quốc gia’ sẽ thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Bên cạnh chất lượng tăng trưởng cải thiện của nền kinh tế Mỹ, phản ứng của các quốc gia trong khu vực đối với mức nới lỏng định lượng và đà tăng lãi suất của Fed là khá thú vị. Điều này có khả năng thúc đẩy một lượng vốn lớn vào thị trường bất động sản. 

Các chuyên gia nghiên cứu của công ty JLL Việt Nam cũng cho rằng, thị trường đang chứng kiến nhiều sự hợp tác và liên doanh giữa công ty trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. JLL dự báo hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Báo cáo của JLL cho thấy ,hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Từ khía cạnh khác, ông Troy Griffiths cho rằng, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm 2018, đặc biệt là khi thị trường tìm về mức giá trị hợp lý thỏa mãn nhu cầu chủ sở hữu để ở hợp pháp. Theo đó, nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh sẽ tác động đến tất cả phân khúc và đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng. 

Giai đoạn năm 2013 – 2017 đã chứng kiến mức tăng giá trung bình khoảng 9%/năm ở phân khúc thị trường căn hộ TP. HCM. Tốc độ đô thị hóa cao cùng những giải pháp đẩy mạnh cơ sở hạ tầng ở TP. HCM đã góp phần mạnh mẽ vào đà tăng trưởng chung. 

Mức giá bán trung bình trên bình diện rộng của thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm rãi hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường nhà ở tiếp tục tăng mạnh bởi những yếu tố tác động như đô thị hóa, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng như quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới trong thời gian tới.