Các doanh nghiệp tại Venezuela thích ứng với khủng hoảng thế nào?

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADER"What doesn't kill you makes you stronger" (Tạm dịch: Điều gì không khuất phục được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn) - câu châm ngôn nổi tiếng của triết gia Friedrich Nietzsche hoàn toàn phù hợp với tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp Venezuela hiện tại.

Các doanh nghiệp tại Venezuela thích ứng với khủng hoảng thế nào?
Nhiều doanh nghiệp tại Venezuela đang nỗ lực vươn lên, góp phần cải thiện tình hình đất nước. Ảnh: Internet

Không bị khuất phục bởi tình trạng bất ổn chính trị của Venezuela, nền kinh tế bị xếp hạng là một trong những nơi tồi tệ nhất để kinh doanh, Johel Fernandez từ hai năm trước đã bắt đầu sản xuất những chiếc áo nỉ in biểu tượng của thành phố Caracas - thủ đô của Venezuela và bán cho khách nước ngoài qua mạng.

Mẫu áo nỉ in hình thành phố Caracas có giá gần $36. Ảnh: simpleclothing.net

Fernandez, 22 tuổi, là một thành viên của một nhóm các doanh nhân trẻ tìm kiếm cơ hội trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Nhóm này xây dựng các công ty ngay trong khu phố của họ trong khi những người khác đang tìm kiếm vận may ở nước ngoài.

"Một phong trào nổi lên trong giới doanh nhân, những người đã quyết định "chúng tôi sẽ không đi đâu cả, Venezuela sẽ luôn là trung tâm hoạt động của chúng tôi"". Fernandez đã tiếp thị các sản phẩm của mình với khẩu hiệu "Made with love in Caracas".

Làm việc trong một nhà xưởng gồ ghề, công ty Simple Clothing nhỏ bé của Fernandez đã bán hàng chục sản phẩm một tháng sang Mỹ, Tây Ban Nha và Anh. Nhưng số ngoại tệ kiếm được trở nên vô nghĩa ở một quốc gia nơi nhiều doanh nhân chỉ kiếm được dưới 40 đô la một tháng.

Những giao dịch tại Venezuela phải dùng cân để tính tiền. Ảnh: Internet

Lạm phát ba con số và kinh tế suy thoái trong 5 năm liên tiếp, Venezuela tuyệt đối không phải là nơi đầu tiên bạn nghĩ đến việc thành lập một công ty.

Ngân hàng Thế giới xếp quốc gia này ở vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia có điều kiện khó khăn nhất trong kinh doanh, trong số 190 quốc gia. Venezuela được xếp giữa Libya và Nam Sudan, những nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trung bình, phải mất 230 ngày để mở một doanh nghiệp ở Venezuela, trong khi con số này chỉ là 6 ngày ở nước Colombia lân cận.

Biểu tình tại Venezuela. Ảnh: Internet

Các thiết kế của Fernandez minh họa bản đồ các tuyến metro của thủ đô Caracas, các thị trấn lớn và các thương hiệu bánh kẹo yêu thích của đất nước này đang được khách nước ngoài yêu thích. Anh đã mở rộng sản xuất của mình, giúp đỡ các nhà thiết kế khác để giúp họ tăng thu nhập và sớm thoát khỏi cuộc suy thoái.

Giống như các doanh nhân trẻ khác, Fernandez thấy việc điều hành một doanh nghiệp là một cách hữu hiệu để giúp Venezuela vượt qua sự suy thoái hiện tại.

Vẫn tồn tại những mặt tích cực

Hoạt động kinh doanh xuất khẩu của hãng Simple Clothing có thể thực hiện được một phần bởi sự biến dạng được tạo ra từ việc kiểm soát tiền tệ và giá cả khiến chi phí gửi một gói hàng đi nước ngoài thấp hơn nhiều so với các nước lân cận.

Fernandez, một doanh nhân trẻ tại Venezuela. Ảnh: Reuters

Fernandez nói: "Vận chuyển từ Venezuela hiện nay là siêu rẻ và chúng tôi có thể gửi hàng mà không lấy thêm chi phí từ họ".

Chẳng hạn, để gửi một gói hàng nhỏ đến Tây Ban Nha từ Venezuela bằng Fedex chi phí chỉ 1,5 đô la theo tỷ giá thị trường chợ đen được sử dụng rộng rãi ở Venezuela.

Con số này sẽ là 56 đô la để gửi cùng một gói hàng như thế từ Mexico, nhiều hơn rất nhiều so với mức giá 36 đô la cho một chiếc áo của công ty Fernandez. Hầu hết người dân ở Venezuela đều không đủ khả năng để mua một chiếc áo với giá như thế.

"Yếu tố Venezuela" mà Fernandez đề cập có nghĩa là các đơn hàng đôi khi sẽ bị trễ.

Một trong những công ty chuyển phát nhanh mà Fernandez sử dụng, DHL, trong tháng 6 đã bị hoãn chuyến bay đến và đi từ Venezuela vô thời hạn. Hãng DHL đã không đưa ra lý do, nhưng anh được biết một số hãng hàng không đã dừng các chuyến bay tới Venezuela vì họ không thể có lãi.

Tìm kiếm lựa chọn thay thế

Bất chấp những thách thức này, Wayra, một vườn ươm khởi nghiệp được điều hành bởi Telefonica của Tây Ban Nha đã giúp thành lập 45 công ty công nghệ ở Venezuela trong vòng 5 năm.

Văn phòng làm việc tại Wayra. Ảnh: Internet

35 công ty trong số đó vẫn đang hoạt động kinh doanh, bao gồm cả MundoSinCola, một ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi tại các ngân hàng và các văn phòng chính phủ Venezuela.

Giám đốc của Wayra ở Venezuela, anh Gustavo Reyes ước tính hiện tại đang có 20 công ty mới thành lập ở Venezuela.

Tổ chức Startup Weekend đã tổ chức 6 sự kiện nhằm phát triển khởi nghiệp ở 4 thành phố ở Venezuela vào năm ngoái nhưng đã hoãn năm nay vì cuộc khủng hoảng.

Karina Taboelle, người phát biểu tại các sự kiện trên, cho biết những ý tưởng tại Startup Weekend năm ngoái bao gồm một ứng dụng di động để cho người dùng biết những siêu thị nào có sản phẩm khan hiếm.

Ứng dụng di động trên có lẽ sẽ rất được ưa chuộng tại Venezuela lúc này. Ảnh: Internet

"Cuộc khủng hoảng đã có một mặt tích cực trong việc thúc đẩy mọi người tìm kiếm các giải pháp thay thế và tập trung vào giải quyết tình hình trong nước", bà nói.