Các nước châu Á đang dự trữ lượng đô la Mỹ cao kỷ lục

Lê Minh - 18:05, 06/09/2017

TheLEADERTrong bối cảnh đầu tư nước ngoài tăng mạnh mẽ, các ngân hàng trung ương châu Á đang nỗ lực để ổn định tiền tệ.

Lượng dự trữ đô la Mỹ và các tài sản nước ngoài khác của các chính phủ và ngân hàng trung ương ở châu Á đạt mức cao kỷ lục tính đến cuối tháng 7.

Theo dữ liệu từ các ngân hàng trung ương, tổng nguồn dự trữ ngoại hối của các nước châu Á trừ Nhật Bản và Trung Quốc đạt mức 2,4 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 7, tăng 6% so với năm ngoái. Indonesia dự báo trữ lượng của họ tăng 15% trong năm qua. 

Tốc độ tăng trưởng trong khu vực tăng nhanh kể từ đầu năm và dự trữ ngoại hối đã tăng gấp 6 lần so với mức được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Với mức dự trữ ngoại hối cao như vậy, các nền kinh tế châu Á và hệ thống tiền tệ của họ đang có lợi thế trong việc chống lại các cú sốc tài chính. Nhưng các nền kinh tế châu Á vẫn dễ bị tổn thương nếu các nước phương Tây tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Với việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các thị trường châu Á, nơi có tiềm năng tăng trưởng cao, một số cơ quan tiền tệ đang bán ra đồng tiền bản địa và mua vào đô la Mỹ. Các chính phủ châu Á thường đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự tăng giá nội tệ bởi điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh cho xuất khẩu.

Dự trữ ngoại hối của châu Á đã tăng gấp 6 lần kể từ khủng hoảng tài chính 1997. Nguồn: CNBC

Theo một nhà điều hành của một ngân hàng hoạt động ở Mumbai, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ là một trong những cơ quan bán rupee và mua đô la Mỹ. "Ấn Độ đang nhận được dòng vốn đầu tư dồi dào từ Nhật Bản và các nước khác, và Ngân hàng Trung ương đang tuyệt vọng để ngăn chặn đồng rupee tăng giá", nguồn tin cho hay.

Các nhà đầu tư đã đổ xô vào Ấn Độ bởi nền kinh tế đang tăng trưởng đều với tỷ lệ 6-7% hàng năm. Đầu tư nước ngoài đổ tiền vào chứng khoán Ấn Độ đã đạt đến mức cao nhất kể từ năm 2014 khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức. Mặc dù ngân hàng trung ương nước này thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 6% vào tháng 8 và can thiệp vào chính sách tiền tệ nhưng đồng rupee vẫn duy trì ở mức cao trong hai năm qua.

Không giống Ấn Độ, Trung Quốc, nước có khối lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất, đã tích cực duy trì giá sàn cho đồng NDT. Vào cuối tháng 7, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 3,08 nghìn tỷ USD, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Với việc giữ mức giao dịch đồng NDT trong phạm vi có thể chấp nhận được, chính quyền nước này không còn phải bán đô la để trợ giá cho đồng NDT.

Nhìn chung, các nền kinh tế châu Á đang trong chu kỳ tăng trưởng tích cực, lạm phát thấp và lãi suất ổn định. Những điều kiện như vậy giúp cải thiện cán cân thương mại và khả năng thanh toán quốc tế của các quốc gia này.

Châu Á đang phải đối mặt với mức nợ khổng lồ. Với các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang diễn ra trên khắp khu vực, các nhà cho vay đang thận trọng hơn về khả năng trả nợ và có xu hướng chấp nhận các khoản vay ngắn hạn. Một lo ngại lớn là nếu các nhà đầu tư nước ngoài và người cho vay rút vốn nhanh chóng, các nước châu Á có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương châu Âu đã duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng các nước này đã bắt đầu thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ, đây là dấu hiệu cảnh báo cho các nền kinh tế đang phát triển và khát vốn tại châu Á lúc này.