Cách nào để cạnh tranh công bằng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống?

Chuyên gia Võ Văn Quang - 08:39, 31/10/2017

TheLEADERGóc nhìn ít ai quan tâm đó là thu ngân sách nhà nước đối với taxi trong thách thức của Uber “taxi công nghệ cao”.

Cách nào để cạnh tranh công bằng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống?
Cuộc chiến giữa Uber, Grab với taxi truyền thống vẫn tiếp tục nóng với những diễn biến mới.

Thu ngân sách đối với VAT và Thuế thu nhập doanh nghiệp ngành taxi đang và sẽ sụt giảm trên 50% cả TP. HCM, Hà Nội và các thành phố lớn, trong năm 2016 và 2017. Và nguy cơ có thể là sự biến mất các thương hiệu taxi Việt như Mai Linh, Vinasun, Vinataxi, ABC Taxi (Hà Nội)...

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Trong gần hai năm qua, các chuyên gia có rất nhiều phân tích, phần nhiều là “ca ngợi” Uber vì mang lại lợi ích cho hành khách, hầu như quên các bộ luật và công pháp cơ bản trong kinh tế và quản lý cạnh tranh phổ quát trên toàn cầu, với nguyên tắc cơ bản: kinh doanh là tạo ra nguồn doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và đóng thuế cho Nhà nước.

Cho tới nay hàng hoá Việt Nam trong khi bị kiện chống bán phá giá tại nhiều nước trên thế giới, thì ở ngay trong nước gần như chưa từng có một vụ kiện chống phá giá nào đối với một hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam, tại sao vậy?

Báo cáo của ngành thuế 2017 dự kiến tổng thu thuế trong ngành taxi sẽ giảm ít nhất 50%, trong khi tổng thị trường (market size) thì tăng chứ không giảm? Logic cơ bản này có nhà báo hoặc chuyên gia nào để ý không? Như vậy số thuế thất thoát 50% lên đến hàng trăm tỷ VNĐ kia đã và đang chạy đi đâu?

Uber đăng ký vào Việt Nam đã nghiên cứu kỹ phương án là nhà cung cấp phần mềm, nhượng quyền cho lái xe, như vậy theo luật mỗi lái xe là một cá thể kinh doanh. Do vậy phần thuế thu nhập cá nhân của lợi nhuận cá thể, chính là phần thất thoát so với 3 năm trước đây khi chưa có “taxi công nghệ”, điển hình như Vinasun doanh thu sụt giảm từ 4,500 tỷ/năm xuống còn 3,000 tỷ, phần thuế tính trên % doanh thu đó dĩ nhiên phải được bù bởi Uber (taxi công nghệ) nhưng thực tế thì chưa xảy ra. 

Và trách nhiệm về phần chính đó là cơ quan thuế dường như chưa có phương pháp để quản lý thu số thuế này cho ngân sách nhà nước.

Luật Thuế thu nhập cá nhân đã áp dụng từ 20 năm qua, thậm chí những hộ kinh doanh rất nhỏ lẻ cũng đều bị tận thu, gần đây cơ quan thuế còn tính đến việc thu cả thu nhập trên lãi suất tiền gửi ngân hàng. 

Lái xe Uber được quản lý trên hệ thống dữ liệu rất minh bạch và chuyên nghiệp của phần mềm Uber, nếu thu đúng và đủ thuế thu nhập thì cuộc cạnh tranh sẽ công bằng hơn, vì theo Luật Cạnh tranh và khuyến mãi, mức giảm giá 30% đã là hành vi phá giá, dẫn đến những vụ kiện có thể triệt thoái một Player ra khỏi thị trường, hoặc chịu mức thuế bổ sung, vừa có lợi cho ngân sách vừa có lợi “lâu dài” kích thích cạnh tranh bình đẳng.

Diễn biến gần đây, khi đề cập đến việc thu thuế cá nhân thì phía Uber xác nhận mình “có tư cách” để thu thuế cá nhân, rồi nộp lại cho Nhà nước. Đây là việc làm mâu thuẫn, vì về pháp lý Uber tự đăng chỉ là bên nhượng quyền phần mềm chứ hoàn toàn không có tư cách pháp nhân một doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, nếu Uber đăng ký pháp nhân vận tải công cộng thì phải tuân thủ luật chơi ngang bằng với taxi có thương hiệu.

Song song đó thì các hãng taxi có thương hiệu, cũng đang ráo riết nâng cấp và trang bị các phần mềm giao diện với khách hàng và biến hàng nghìn lái xe trở thành cá nhân nhượng quyền, theo luật chơi Uber mà Nhà nước không biết cách quản lý, dẫn đến hậu quả là thất thu thuế mà nguyên nhân không phải do phía taxi truyền thống, bởi vì vài năm trước đây chính họ đã từng đóng thuế rất nhiều.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ với tựa đề “ Góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ với kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng" đã xác định: 

"Nếu đơn vị thí điểm là doanh nghiệp nước ngoài thì việc cho phép hoạt động Uber, Grab sẽ không phù hợp với quy định "không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới" của Việt Nam trong WTO. Cần sửa đổi quy định xác định Uber, Grab các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, chứ không chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm"...

Ngoài đề nghị sửa quy định trên, Bộ Công Thương thừa nhận một số quy định hiện hành chưa tạo ra sự bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe thí điểm Uber, Grab. Bộ đề nghị cần bổ sung khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan như thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải để quản lý loại hình vận tải kết nối theo hợp đồng này.

Nếu đề nghị trên của Bộ Công thương được Chính phủ chấp nhận thì mới đem lại sự công bằng trong cạnh tranh giữa Uber, Grab và taxi truyền thống.

Số liệu được cung cấp từ Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu