Cách nào để ngành ô tô Việt Nam tham gia vào chuỗi cung toàn cầu?

Quang Anh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTrên quan điểm của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ưu tiên hàng đầu là phải tăng quy mô thị trường để đảm bảo ngành ô tô sẽ được duy trì trong tương lai.

Cách nào để ngành ô tô Việt Nam tham gia vào chuỗi cung toàn cầu?
Chính phủ nên có cơ chế thu hút các nhà cung cấp nước ngoài để nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước

Nhóm Công tác Ngành công nghiệp ô tô – xe máy thuộc VBF cho rằng, rất cần thiết phải phát triển một thị trường tăng trưởng ổn định bằng những chính sách đối với ngành ô tô nhất quán và dài hạn từ 10 - 15 năm; bao gồm, nhưng không hạn chế đối với hệ thống thuế và các chính sách về cơ sở hạ tầng. 

Thêm vào đó, cũng cần phải có những nỗ lực về mặt truyền thông để đạt được sự đồng thuận của công chúng cho những chính sách này.

Nên trở thành nhà cung cấp cấp 3, 2 trước...

Các nhà cung ứng linh kiện trong nước không nên “đi tắt” để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn. Thay vào đó, họ nên đảm bảo có thể đáp ứng các yêu cầu về sản xuất/ dịch vụ (QCD) như các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3, và hợp tác cùng với các nhà cung cấp nước ngoài như là một cách tiếp cận để phát triển sản xuất kinh doanh linh kiện của mình hoặc để được chuyển giao công nghệ.

Bằng cách đó, các nhà cung cấp trong nước sẽ từng bước hiểu rõ về các yêu cầu sản xuất từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chủ động tận dụng những cơ hội đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

"Rất cần thiết phải phát triển một thị trường tăng trưởng ổn định bằng những chính sách đối với ngành ô tô nhất quán và dài hạn từ 10 - 15 năm"

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô, các nhà sản xuất trong nước cần phải cải thiện các vấn đề về chất lượng/ chi phí/ giao hàng bằng việc nâng cao chất lượng và tăng năng suất, cắt giảm chi phí, cải tiến năng lực quản lý và tuân thủ các quy tắc và luật quốc tế.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên đưa ra những hướng dẫn cho các nhà cung cấp bao gồm các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của họ, nhằm giúp các nhà cung cấp tiềm năng trong nước có thể nâng cao trình độ về chất lượng/ chi phí/ giao hàng (chẳng hạn cử chuyên gia đến các nhà cung cấp trong nước), có được chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật.

Tiếp tục thương thảo với các nhà cung cấp hiện có để mở rộng các danh mục linh kiện có thể được nội địa hóa.

Các nhà cung ứng nên chủ động đưa mình vào chuỗi

Các nhà sản xuất lắp ráp ô tô hay các nhà cung cấp có vốn đầu tư nước ngoài nên có chính sách mở để sử dụng các nhà cung cấp đáp ứng được những yêu cầu đã đề cập, cho dù công ty đó là trong nước hay nước ngoài.

Các nhà cung ứng nên chủ động đưa mình vào danh sách các nhà cung cấp linh kiện ô tô và tham gia vào các chương trình kết nối doanh nghiệp, lập được hồ sơ doanh nghiệp hấp dẫn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên cung cấp danh mục các linh kiện ô tô cần nội địa hóa với các chi tiết cụ thể như: tên, đặc tính kỹ thuật, số lượng và trưng bày các linh kiện đó cho các nhà cung cấp tiềm năng xem xét.

Chính phủ nên có cơ chế thu hút các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam để nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư trong sản xuất linh kiện ô tô.

Tóm lại, để gia tăng việc sử dụng các nhà cung cấp trong nước, cần thiết phải giải quyết cả các vấn đề liên quan đến “cầu” như: thị trường và sản lượng sản xuất nhỏ, và các vấn đề về “cung” như: thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng/ chi phí/ giao hàng (QCD).