Cải cách tiền lương cần cẩn trọng, không gây sốc cho số đông người lao động

Quỳnh Chi - 08:55, 21/05/2018

TheLEADERChính sách nhà ở, cải cách chính sách tiền lương là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Cải cách tiền lương cần cẩn trọng, không gây sốc cho số đông người lao động
Thủ tướng thăm và đối thoại với công nhân.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 20/5/2018, một số công nhân tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng bày tỏ, việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49/2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương công nhân. 

Được biết nhiều công nhân không đồng tình với phương án sửa đổi chính sách tiền lương đã đưa ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. 

Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động. 

Liên quan đến gánh nặng nhà ở, một số công nhân cho biết việc tìm nhà ở cũng như trường học cho con em đối với các công nhân ngoài tỉnh có các khu công nghiệp là hết sức khó khăn. 

Chẳng hạn ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại khu công nghiệp. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao.

Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận mặc dù các địa phương, bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề này song chưa đáp ứng được mong mỏi của các công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. 

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân; cần có hệ thống nhà trẻ, đặc biệt xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn; tạo điều kiện tối đa cho công nhân.

Chủ trọ áp giá điện 3.000 đồng/kWh sẽ bị xử lý

Phản ánh của công nhân tại một khu công nghiệp ở tỉnh Hà Nam cho thấy hiện nay, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ tại các khu công nghiệp phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, mức giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kWh.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng mức thu như vậy tại các cơ sở cho thuê trọ là quá cao; yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Công thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kiểm tra xử lý nghiêm việc các chủ nhà trọ thu giá điện, nước sai quy định.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công thương. Theo đó, tại các khu nhà trọ áp dụng giá điện sinh hoạt như giá điện bậc thang.

“EVN sẽ phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời", ông Thành khẳng định.

Lãnh đạo EVN nhấn mạnh, nếu công nhân gặp khó khăn hoặc bị tăng giá điện sai quy định có thể gọi đến tổng đài 19006768 để phản ánh.