Cải cách tiền lương cần chú trọng đến 'thương lượng tập thể'

An Nhiên - 07:02, 15/12/2017

TheLEADERCải cách tiền lương trong khu vực công ở Việt Nam nên xây dựng mối tương quan chính xác giữa cấp bậc, vị trí và tiền lương; trong khi cải thiện phương thức xác lập tiền lương tối thiểu và phát triển thương lượng tập thể có thể đẩy mạnh hệ thống tiền lương cho khu vực tư nhân.

Cải cách tiền lương cần chú trọng đến 'thương lượng tập thể'
Cải cách chính sách tiền lương cần mạnh mẽ và căn bản hơn. Ảnh minh họa

Đó là một điểm trong số những khuyến nghị của ILO đối với Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội tại một cuộc hội thảo cấp cao về tiền lương được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Đề án cải cách bao gồm cả vấn đề tiền lương cho khu vực công với 2,6 triệu biên chế công chức, viên chức và khảng 300.000 lao động hợp đồng, cũng như vấn đề tiền lương cho khu vực tư.

Dự kiến, Đề án cải cách này sẽ được trình lên Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để xem xét thông qua vào tháng 5/2018.

Bỏ hệ số lương

Giám đốc ILO Việt Nam: 'Việt Nam nên chuyển từ hệ thống hệ số lương sang số tuyệt đối'
Tiến sĩ Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Chung/ Báo chính phủ

Về cải cách tiền lương cho khu vực công, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee đề xuất, Việt Nam nên chuyển từ hệ thống hệ số lương sang hệ thống tiền lương cơ bản theo cấp bậc, thể hiện bằng số tuyệt đối.

“Cấp bậc, vị trí và tiền lương nên có mối tương quan chính xác với nhau, cùng với hệ thống phụ cấp nhất quán và cân nhắc áp dụng một vài biến thể tùy vào khu vực dựa trên mức sống,” ông Lee cho biết.

Theo ông Lee, Việt Nam nên xây dựng hệ thống đồng bộ về cấp bậc/vị trí/tiền lương với một số ít biến thể cho các nhóm công việc đặc thù.

Những khuyến nghị khác của ILO bao gồm xây dựng và áp dụng hệ thống lương đồng nhất cho khu vực công trên phạm vi quốc gia và được quản lý bởi một cơ quan trung ương; cơ chế tham vấn chính thức bao gồm các bên liên quan; hệ thống quản lý nhân sự toàn diện (bao gồm các khâu tuyển dụng, thăng tiến, đào tạo và xác định tiền lương), và một kế hoạch dài hạn nhằm đặt được cân bằng giữa tiền lương trong khu vực công và khu vực tư nhân.

Ngoài ra, cả khu vực công và tư đều cần cải thiện số liệu về tiền lương để giúp quá trình hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

“Các bài học quốc tế cho thấy cải tổ một hệ thống tiền lương khu vực công thường mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ. Do đó, quá trình này cần phải được thực hiện từng bước với một tầm nhìn dài hạn. Ngay từ khi bắt đầu cải cách, nhất thiết phải làm đúng từ những vấn đề cơ bản”, ông Lee nhận định. 

Cũng theo Giám đốc ILO Việt Nam, quá trình cải cách cũng quan trọng tương đương với kết quả của cải cách. Hệ thống tiền lương khu vực công ở các quốc gia khác thiết lập một quá trình đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng, và một quá trình tham vấn với tất cả các bên liên quan chính, bao gồm đại diện của bản thân các công chức, viên chức, để họ đều có vai trò trong đó. 

Theo cách gọi của ILO, đây chính là đối thoại xã hội trong đưa ra quyết định.

Theo người đứng đầu của ILO Việt Nam, những vấn đề chính đối với tiền lương trong khu vực công ở Việt Nam nằm ở hệ thống hệ số nhân phức tạp; tỷ trọng cao của phụ cấp và nhiều loại phụ cấp khác nhau; sự lẫn lộn giữa yêu cầu công việc với các yếu tố cá nhân (ví dụ như bằng cấp); và việc thiếu hụt một hệ thống quản lý nhân sự thống nhất, minh bạch xuyên suốt toàn khu vực công.

Lương tối thiểu và thương lượng tập thể

Về cải cách tiền lương trong khu vực tư nhân, ông Lee nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc có được một công thức thống nhất xác lập lương tối thiểu, khả năng quy định thêm tiền lương tối thiểu theo giờ, và yêu cầu cải thiện năng lực phân tích cho Ban thư ký của Hội đồng Tiền Lương Quốc gia để có thể đo lường chính xác tác động của những điều chỉnh về lương tối thiểu đối với tiền lương và việc làm.

Ông cũng đề cao vai trò quan trọng của thương lượng tập thể như một hình thức chủ đạo để xác lập tiền lương trong các nền kinh tế thị trường. Nhưng thương lượng tập thể hiện vẫn chưa phát triển tại Việt Nam. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ông cho rằng Việt Nam cần ưu tiên phê chuẩn và áp dụng Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể (Công ước 98), cũng như một số công ước khác, như yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình về vai trò quan trọng của thương lượng tập thể. Theo ông, vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện để các thương lượng tập thể diễn ra, đồng thời vai trò, trách nhiệm của công đoàn cần được tăng cường trong đàm phán thỏa ước lao động tập thể.

Cải cách tiền lương cần chú trọng đến 'thương lượng tập thể' 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo.

Phó thủ tướng cũng ghi nhận các khuyến nghị khác của ILO cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Chính phủ sớm hoàn thiện đề án cải cách.

"Cải cách lần này nên mạnh mẽ và căn bản hơn. Cần phải đánh giá kỹ lưỡng thực trạng hiện nay, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, để đúc rút ra các bài học cần thiết", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, cần tích cực nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới để từ đó đề xuất chính sách phù hợp với bối cảnh Việt Nam, vừa đảm bảo tính quy luật của các chính sách tiền lương.