Cái chết của động cơ đốt trong

Nguyễn Lê - 16:03, 07/09/2017

TheLEADERTrong khi người Việt đang nói về giấc mơ ô tô Việt thì thế giới đã đưa ra dự báo về cái chết của động cơ đốt trong trong tương lai không xa.

Cái chết của động cơ đốt trong
Xe điện đang đe dọa ngành công nghiệp ô tô truyền thống. Ảnh: The Telegraph

Trong vòng 8 năm tới, sẽ không có xe ô tô, xe buýt hay xe tải được bán ở bất cứ đâu trên thế giới. Toàn bộ thị trường vận tải đường bộ sẽ chuyển sang điện khí hóa, dẫn đến sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu khí và các ngành liên quan.

Đây là dự báo tương lai của nhà kinh tế học Tony Seba, thuộc Đại học Stanford. Báo cáo về giao thông vận tải trong những năm tới của ông dấy lên nỗi lo trong các ngành công nghiệp được đề cập.

Theo đó, mọi người sẽ ngừng lái các dòng xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và sẽ chuyển sang lái các loại xe điện với giá rẻ hơn gấp 10 lần.

Chỉ những người hoài niệm mới giữ thói quen sở hữu xe hơi. Phần đông còn lại sẽ thích nghi với các phương tiện mới. Việc tìm một trạm xăng, thay thế phụ tùng hay sửa chữa sẽ trở nên khó khăn. Cùng với đó, các hãng đại lý xe ô tô cũng được dự kiến sẽ biến mất vào năm 2024.

Đây là một mối đe dọa hiện hữu đối với Ford, General Motors, và ngành công nghiệp ô tô Đức. Họ sẽ phải đối mặt với ngã ba đường giữa sản xuất xe chạy bằng điện (EVs) với lợi nhuận thấp, hoặc tự đổi mới mình sang hình thức cung cấp dịch vụ xe tự lái, các biến thể của Uber và Lyft.

Sự chuyển đổi này, theo Giáo sư Seba, có nguyên nhân chính từ sự phát triển công nghệ, chứ không phải các chính sách về khí hậu như nhiều người mặc định. Thị trường đang tự điều chỉnh với tốc độ mạnh mẽ, điều mà các chính sách của chính phủ không bao giờ có thể đạt được.

Theo đó, nhu cầu đối với dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm xuống mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2020, sau đó giảm tiếp xuống còn 70 triệu thùng vào năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dầu vẫn mạnh mẽ trong ngành công nghiệp hoá chất và hàng không, mặc dù Nasa và Boeing đang phát triển các dòng máy bay điện hybrid cho các chuyến bay ngắn.

Các hãng dầu khí khổng lồ như Exxon-Mobil, Shell và BP có thể chứng kiến sự sụt giảm giá trị và sản lượng dầu đáng kể. Ở châu Âu, các nhà máy nhiệt điện và khí đốt sẽ bị sụt giảm bởi sự lên ngôi của năng lượng mặt trời và gió.

Ấn Độ đang lên kế hoạch xóa bỏ toàn bộ xe chạy bằng động cơ xăng, dầu vào năm 2032 nhằm cắt giảm ô nhiễm và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu của quốc gia này.

Trung Quốc cũng lên mục tiêu tiêu thụ 7 triệu xe điện vào năm 2025 bằng một chín sách hạn ngạch tối thiểu đối với các nhà sản xuất.

Những điều này đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với Saudi Arabia và Opec giả định trước đó. Họ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 109 triệu thùng vào năm 2040 với nhu cầu tăng ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Các chuyên gia đã tranh luận về dự báo của Giáo sư Seba. Điểm nổi bật trong quan điểm của ông là nhiều xu hướng công nghệ đang kết hợp thành một “cơ bão hoàn hảo”.

Xe điện có sức mạnh lớn hơn mà xe chạy động cơ đốt trong không thể cạnh tranh. Điều tương tự như đã xảy ra với máy quay phim Kodak và máy ảnh kỹ thuật số, ông Seba nói.

Dự báo số nhà máy sản xuất ô tô tại Châu Âu. Nguồn Alix Partners, IHS

Cái chết của động cơ đốt trong đã được Chris Bryant nói đến trên Bloomberg từ năm ngoái. Các nhà sản xuất ô tô đang tiêu tốn hàng tỷ Euro cho việc đầu tư vào sản xuất động cơ nhưng phải đối mặt với rủi ro bởi sự gia tăng của xe điện.

Công ty tư vấn Alix Partners dự báo, sẽ chỉ có 9% xe động cơ đốt trong được bán ra trên toàn cầu vào năm 2030. Các nhà máy động cơ đốt trong sẽ dần bị đóng cửa.

Năm ngoái, khi Daimler công bố đầu tư 3,4 tỷ USD vào dự án động cơ diesel, Volkswagen xem đó là một khoản đầu tư rủi ro còn BMW nói, đầu tư vào động cơ diesel đã không còn ý nghĩa.