"Cân nhắc bóc tách, sáp nhập một số bộ ngành"

Hương Xuân - 06:45, 15/10/2017

TheLEADERChúng ta đã dần vào mức “giảm cản trở”, hai mức cao hơn là “phục vụ” và “kiến tạo” dù sẽ còn cần rất nhiều nỗ lực nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn.

"Cân nhắc bóc tách, sáp nhập một số bộ ngành"
Ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions.

LTS: “Chính phủ kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển.

Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.

Ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) 2016 tại Việt Nam đã có những chia sẻ với TheLEADER nhân ngày doanh nhân Việt Nam.

Việc Chính phủ gần doanh nghiệp hơn, lắng nghe, phản hồi và giảm một loạt giấy phép con và điều khoản cản trở doanh nghiệp cho thấy những quyết tâm chính trị đã bắt đầu đi vào thực thi thực sự. 

Chúng ta đã dần vào mức “giảm cản trở”. Hai mức cao hơn là “phục vụ” và “kiến tạo” dù sẽ còn cần rất nhiều nỗ lực nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn.

Bên cạnh nhiều tín hiệu tốt, cũng có nhiều trăn trở liên quan đến việc một số cá nhân hoặc cơ quan có nhiều quyền lực mà không được giám sát dẫn đến việc có thể gây tổn hại về sau. 

Những vụ việc như BOT hay Formosa có thể đã xảy ra từ nhiệm kỳ trước, nhưng những bài học kinh nghiệm, và những biện pháp phòng ngừa những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai vẫn chưa được đúc kết và “cài đặt” vào trong hệ thống hiện tại. 

Cá biệt có những trường hợp mà khi xảy ra, dư luận nghiêng về một bên rõ rệt như vụ Phó cục trưởng mất tiền ở Long An.

Chi phí của doanh nghiệp vẫn ngày càng tăng cao, và sẽ càng có dấu hiệu tăng cao hơn nữa với một số sắc thuế đang được đề xuất. Chi phí vận chuyển cao làm giảm mức độ linh hoạt trong điều phối sản xuất - phân phối và giảm khả năng phát triển thị trường nội địa của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, tôi đề xuất mấy việc sau:

Việc cổ phần hoá và đấu thầu các dự án có vốn Nhà nước vẫn là những điểm xám gây nhiều tranh cãi. Nên mạnh dạn thành lập một Sàn giao dịch công khai để mọi việc minh bạch hơn. Đặc biệt cần bóc tách các doanh nghiệp ra khỏi các bộ chủ quản trước khi xây dựng hoặc thực hiện đề án cổ phần hoá để giảm thất thoát.

Nhiều vấn đề không thể giải quyết được nếu không có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Cá nhân tôi đánh giá cao những biến chuyển ở Bộ Công thương trong thời gian qua. Và nghĩ rằng nên nhân rộng cách nghĩ cách làm đó trong các bộ ngành khác, và kể cả ở cấp cao hơn là cấp Chính phủ. Cân nhắc bóc tách, sát nhập một số bộ ngành để hoạt động được đồng bộ, nhất quán và “một cửa một dấu” hơn.

Cân nhắc không cho các chủ đầu tư thu phí giao thông nữa mà sẽ qua một đơn vị trung gian khách quan. Đơn vị này sẽ thay mặt thu phí toàn quốc, nhờ vậy sẽ có thể: Áp dụng thu phí không dừng để giảm thời gian ùn tắc ở các trạm và thất thoát phí, có những con số khách quan nhờ vậy điều chỉnh phương án của chủ đầu tư xuống mức hợp lý. 

Thậm chí, trong một số trường hợp, sát nhập trạm thu phí để giảm nhân sự và giảm sự bực bội của người đi đường.

Việc nhiều doanh nghiệp FDI được cơ chế đặc biệt ưu đãi quá là không nên vì sẽ làm méo mó môi trường cạnh tranh. Cần nhìn nhận thẳng thắn và vãn hồi tình trạng này. Nếu không thì sẽ không thể có được quốc gia khởi nghiệp.