Cắt giảm giấy phép con: "Nguy cơ thất bại do lợi ích của nhiều người"

Thu Phương - 17:00, 22/11/2017

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đình Cung, việc cắt giảm giấy phép con sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều người, do đó, thông thường họ có thể có những tác động tiêu cực làm thất bại cả một quá trình cải cách.

Cắt giảm giấy phép con: "Nguy cơ thất bại do lợi ích của nhiều người"
TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Hùng/ Zing

“Cố tình làm chậm hoặc không thực hiện”

Tại buổi Tọa đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc xoá bỏ giấy phép con sẽ liên quan đến lợi ích của rất nhiều người, nhiều cá nhân, tổ chức sẽ bị mất quyền mất lợi. Do đó, thông thường họ có phản ứng làm chậm lại quá trình xoá bỏ các giấy phép con hoặc không thực hiện.

Từ những tác động tiêu cực này có thể dẫn đến những thất bại của cả một quá trình cải cách, thập chí người ta có thể cố tình dẫn đến những thất bại.

Những việc như vậy trong quá trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là xu hướng thay đổi tích, cực tất yếu của xã hội, nền kinh tế muốn hiện đại hội nhập không thể không thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ cần lường trước những tình huống bất lợi và có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình này, ông Cung nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, để cắt giảm giảm các điều kiện kinh doanh, trước hết tư duy quản lý, đạo đức công vụ, thái độ, cách thức làm việc của bộ máy hành chính cũng cần thay đổi. Họ phải coi doanh nghiệp là đối tác của mình hơn là đối tượng quản lý thì lúc đó mọi việc sẽ diễn ra ổn thoả hơn, trên cở sở là quan hệ đối tác cùng có lợi, cùng phát triển. 

Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần phải có thời gian, không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Về quyết tâm của Bộ Công thương trong việc cắt giảm 676 điều kiện kinh doanh, ông Cung cho rằng, đây sẽ là dư địa lớn, gây áp ực mạnh mẽ hơn đối với các bộ khác. Bộ Công thương làm được, các bộ khác cũng không thể không làm. Các bộ cùng đồng hành thực hiện, có như vậy, mục tiêu cắt giảm một nửa số điều kiện kinh doanh hiện tại mới có thể thực hiện.

Qua đó, giúp tạo sự những đột phát trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải thiện hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ.

Cần thay đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung bên cạnh việc tổ chức thực hiện, để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Chính phủ và các bộ ngành cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý. 

Trong các năm từ 2000 - 2003, các Bộ ngành đã xoá bỏ khá nhiều các giấy phép con. Đơn cử như Bộ Giao thông vận tải đã cắt giảm gần hết các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các điều kiện kinh doanh đã cắt giảm này lại được khôi phục, thậm chí còn “mọc” thêm một số điều kiện kinh doanh mới.

Do đó, "Nếu cứ đặt ra điều kiện tiền kiểm thì không thể hạn chế được các giấy phép con. Bởi khi bỏ đi các điều kiện này nhưng không có phương thức quản lý mới khiến nhiều bộ ngành đã phục hồi trở lại lại. Chính vì vậy, phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý Nhà nước thì việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh mới có hiệu quả" - Viện trưởng CIEM phân tích.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, cần chuyển mạnh cơ chế quản lý từ tiền kiểm, tức là Nhà nước quản lý, cấp phép cho doanh nghiệp trước khi hoạt động như trước đây sang hậu kiểm, tức đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn để giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Có như vậy, môi trường kinh doanh mới thuận lợi, minh bạch.

Sắp tới, các cơ quan quản lý sẽ ban hành bộ quy tắc, quy chuẩn cho hoạt động của doanh nghiệp. Các đơn vị kinh doanh sẽ dựa vào các bộ tiêu chí này để hoạt động. Sau đó, các cơ quan quản lý sẽ dựa vào đó để thanh kiểm tra. Làm như vậy vừa bảo đảm được việc quản lý vừa giảm gánh nặng chi phí cho Nhà nước.

Ông Khánh lấy ví dụ về lĩnh vực an toàn thực phẩm là lĩnh vực có nhiều điều kiện kinh doanh nhất, trước đây, mỗi khi cho phép một cơ sở kinh doanh thì cơ quan chức năng thường phải kiểm tra doanh nghiệp hoạt động như thế nào, độ sạch sẽ ra sao… Sau đó thấy đáp ứng mới cấp phép cho họ giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn và đủ điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện có hàng ngàn các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nếu triển khai đồng loạt như bậy thì sẽ rất tốn thời gian. Do đó, sắp tới các cơ quan chức năng chỉ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Tuỳ mức độ vi phạm của doanh nghiệp sẽ có biện pháp xử lý như cho thời gian khắc phục hoặc buộc phải đóng cửa.

Đồng thời, ông Khánh cũng cho rằng, với cơ chế kiểm tra trên cở sở hậu kiểm, vai trò của các địa phương sẽ rất lớn. Nếu như trước đây các địa phương có thể yên tâm rằng doanh nghiệp do các bộ cấp phép hoạt động, có sai phạm gì từ doanh nghiệp thì bộ chịu trách nhiệm, thì từ nay các bộ sẽ không cấp giấy phép nữa mà ra những quy chuẩn. Các địa phương phải kiểm tra xem doanh nghiệp đó có đủ điều kiện hay không.

Với cơ chế quản lý mới này, Chính phủ sẽ giao quyền cho địa phương nhiều hơn trong quá trình hậu kiểm, ông Khánh cho biết.