CEO Mirae Asset lý giải dòng vốn Hàn Quốc đổ vào chứng khoán Việt Nam

Minh An - 09:11, 06/04/2018

TheLEADERHàng trăm triệu USD đã được các công ty quản lý quỹ huy động để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam trong năm 2017.

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây đã thu hút một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Năm 2017, các công ty quản lý quỹ đầu tư của Hàn Quốc đã huy động thêm hàng trăm triệu USD để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, ngày càng có nhiều tập đoàn tài chính của Hàn Quốc tham gia thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...

Trả lời phỏng vấn TheLEADER, ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, nỗ lực thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn là một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đã từng điều hành công ty chứng khoán ở Việt Nam trong giai đoạn thị trường bùng nổ 2007, ông Kang nhận định sau 10 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển tích cực về cả số lượng cũng như chất lượng và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Các quỹ đầu tư do Mirae Asset, KITMC, FIDES quản lý gần đây đã tăng mạnh quy mô đầu tư vào Việt Nam. Ông có thể lý giải gì về hiện tượng này?

Kang Moon Kyung: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh, được đánh giá là mức cao nhất so với các thị trường chứng khoán Đông Nam Á trong năm trước. Quý I năm 2018 thị trường vẫn tiếp tục nhận được những diễn biến tích cực. Chỉ số thị trường VNIndex đang cao hơn đỉnh lịch sử của 10 năm qua.

Quan trọng nhất là tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với toàn khu vực, quý 1/2018 chúng ta đã thấy con số thực sự ấn tượng của GDP khi đạt mức tăng 7.38% và là con số cao nhất trong 10 năm qua. Điều này chúng ta cũng nhìn thấy thông qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết.

Những yếu tố này lý giải cho việc ngày càng nhiều dòng vốn ngoại đã và đang đổ vào Việt Nam để hưởng ứng đà tăng trưởng ấn tượng này.

Việc gia tăng đột biến của dòng vốn ngoại là thành quả của một quá trình tích lũy những thay đổi tích cực về mặt kinh tế vĩ mô và chính sách của nhà nước. Điển hình như việc ngân hàng nhà nước triển khai chính sách tỷ giá trung tâm.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nỗ lực thoái vốn thành công của các doanh nghiệp nhà nước. Việc có cơ hội tham gia vào những doanh nghiệp tầm cỡ, nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển là một cơ hội rất tốt, mà nhà đầu tư nước ngoài đã quan sát và chờ thời cơ đến.

Còn các nhà đầu tư cá nhân thì sao thưa ông. Họ có quan tâm đến cổ phiếu các công ty Việt Nam không và họ ưa thích đầu tư vào các công ty như thế nào?

Kang Moon Kyung: So với cách đây 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phát triển tích cực về cả số lượng cũng như chất lượng của các công ty tham gia niêm yết. Nhà đầu tư ngoại có nhiều hơn những lựa chọn tốt khi tham gia thị trường, họ có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển của một số ngành nghề trong môi trường kinh tế vĩ mô tốt, dân số trẻ và năng động.

Kinh nghiệm đi trước của các nước phát triển như Hàn Quốc cũng là một điểm mạnh giúp các nhà đầu tư cá nhân ngoại mạnh dạn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, trở thành thị trường mới nổi trong khu vực.

CEO Mirae Asset lý giải dòng vốn Hàn Quốc đổ vào chứng khoán Việt Nam
Ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)

Nhà đầu tư cá nhân có nhiều khẩu vị đầu tư khác nhau nhưng đa phần xoay quanh những ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao như: thực phẩm, hàng tiêu dùng, ngân hàng và vật liệu xây dựng và công nghiệp phụ trợ…

Khẩu vị nhà đầu tư cá nhân thay đổi tùy theo từng thời điểm khác nhau, vì nhà đầu tư cá nhân vẫn mang tính ngắn và trung hạn. Mối quan tâm chính vẫn nằm trong những công ty tăng trưởng ổn định trong VN30 luôn thu hút nhóm nhà đâu tư này vì báo cáo tài chính minh bạch, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và quan trọng nhất tính thanh khoản ổn định của cổ phiếu.

Nếu một doanh nghiệp niêm yết muốn thu hút vốn ngoại thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là báo cáo tài chính phải rõ ràng, minh bạch, sử dụng kiểm toán uy tín (tốt nhất là Big 4) và cởi mở trong việc quan hệ với các nhà đầu tư… những yếu tố này giúp cổ phiếu luôn an toàn trong mắt của nhà đầu tư, tạo niềm tin bền vững cho nhà đầu tư ngoại.

Mới đây, Mirae Asset Global công bố kế hoạch thành lập liên doanh quản lý tài sản với SCIC. Mục tiêu đầu tư của liên doanh có phải là các công ty mà SCIC muốn thoái vốn?

Kang Moon Kyung: Với việc thành lập liên doanh, Mirae Asset Global sẽ hoạt động tại Việt Nam với tư cách pháp nhân, và vì thế sẽ có thể tận dụng những chính sách hoạt động trên thị trường dành cho pháp nhân, từ đó đẩy mạnh đa dạng hóa các danh mục đầu tư.

SCIC đã có những thành công trong việc thoái vốn một số doanh nghiệp như Vinamilk. Chúng tôi hy vọng, việc thành lập liên doanh với SCIC sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược thoái vốn và tiếp tục thoái vốn thành công các doanh nghiệp thời gian tới.

Mirae Asset Global là cầu nối hỗ trợ thu hút dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, khi Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách vốn ngoại vào Việt Nam.

Gần đây nhiều doanh nghiệp nhà nước rất thành công trong việc bán cổ phần và thu về hàng tỷ USD. Theo ông vì sao các doanh nghiệp này đã thu hút các nhà đầu tư giải ngân số tiền lớn như vậy?

Kang Moon Kyung: Chúng ta đang nói đến phần bán vốn hiện hữu trong doanh nghiệp niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)… Phải xét đến yếu tố nghành nghề và thương hiệu của những doanh nghiệp đã mang về tỷ USD cho đất nước. Với dân số hơn 96 triệu và đa phần là dân số trẻ, GDP tăng trưởng tốt, những thương hiệu như Vinamilk, Sabeco đã mang về cho Việt Nam những khoản vốn ấn tượng là điều dễ hiểu. Ngoài ra ngành kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng, dầu khí, năng lượng… là nhóm ngành đang có ưu điểm nỗi trội của Việt Nam so với khu vực Châu Á.

Việc nắm giữ cổ phần của những doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành trọng điểm của nền kinh tế là cơ hội rất lớn đối với nhà đầu tư ngoại. Những cơ hội này ở các quốc gia khác trong khu vực không còn nhiều, hoặc kém hấp dẫn hơn khi so sánh với thị trường Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã chờ đợi thời cơ và chọn thị trường Việt Nam để giải ngân trong giai đoạn này.

Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ trong việc tạo ra các chính sách giúp tăng sức hấp dẫn của dòng vốn, cởi mở và bình đẳng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng giúp các nhà đầu tư ngoại dễ dàng hơn trong việc đầu tư với số vốn lớn.

Nhiều công ty tư nhân của Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản đang lên kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư. Ông có cho rằng họ sẽ thành công như một số công ty đã thực hiện trong các năm trước?

Kang Moon Kyung: Tiếp nối những thành công năm 2017, năm 2018 vẫn tiếp tục được đánh giá là năm phát triển của các ngành bất động sản, ngân hàng.

Các chính sách về kiểm soát lạm phát, hạn chế cho vay đầu tư bất động sản, giảm lãi suất ngân hàng, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững. Xét về yếu tố khách quan, về thị trường chung và chính sách nhà nước, thì đây là giai đoạn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp chào bán cổ phần và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Xét về yếu tố chủ quan, tại thời điểm này việc niêm yết thành công hay không tùy thuộc chính vào nội tại của doanh nghiệp đó. Một chiến lược IPO bài bản, định giá chuyên nghiệp, phương án công bố thông tin minh bạch và xây dựng định hướng phát triển lâu dài, bền vững là những yếu tố khẳng định khả năng thành công của một doanh nghiệp khi chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư.

Xin cám ơn ông!