Châu Á hoàn toàn có thể khởi động TPP mà không có Mỹ

Hoàng Linh - 08:37, 07/11/2017

TheLEADERChuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới châu Á và sự hiện diện của ông tại APEC thu hút nhiều sự chú ý ngay cả khi mới chỉ là kế hoạch.

Châu Á hoàn toàn có thể khởi động TPP mà không có Mỹ

Thế nhưng, ông Trump có vẻ sẽ trở thành một người xem hơn là một người có tầm ảnh hưởng đối với khu vực khi các nhà lãnh đạo tại đây đưa ra quyết định đối với số phận của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận do chính Mỹ dẫn đầu lập lên và cũng chính Mỹ là nước đẩy tới bờ vực thất bại.

TPP hoàn toàn có thể thành hiện thực mà không có Mỹ và sự thật là nên như vậy.

Theo những điều khoản ban đầu, TPP chỉ có hiệu lực khi các nước tham gia chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc TPP chỉ thành hình nếu có sự tham gia của Mỹ bởi quốc gia này chiếm tới hơn 15%. 

Các quốc gia như Việt Nam hay Malaysia đã nhượng bộ trong các cuộc đàm phán ban đầu với hy vọng sẽ có cơ hội tiếp cận được thị trường Mỹ rộng lớn. Nếu không còn Mỹ, sự quan tâm đối với thỏa thuận này sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, TPP không phải là không có khả năng đạt được. Gần đây, các nhà đàm phán đã thu hẹp sự khác biệt giữa các quốc gia và kỳ vọng sẽ đạt được thoả thuận trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tuần này.

TPP nên thành hình tại thời điểm này thay vì kéo dài hơn nữa bởi việc kéo dài các cuộc đàm phán sẽ làm tăng nguy cơ từ các cơn gió chính trị. Vừa tháng trước, cuộc bầu cử tại New Zealand đã gần như làm thay đổi trật tự các cuộc đàm phán bởi sự thay đổi ý kiến từ những nhà cầm quyền mới.

Mọi thứ đã có thể trở nên tốt hơn rất nhiều nếu các cuộc đàm phán ban đầu kết thúc sớm hơn trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Thế nhưng, giờ đã quá muộn để có thể cảm thấy hối tiếc về điều đó. Những hành động vào giai đoạn quan trọng này hoàn toàn có thể cứu vãn TPP ngay cả khi không có Hoa Kỳ.

Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang rất thận trọng khi phải đối mặt với các áp lực từ Hoa Kỳ trong việc đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với quốc gia này. Việc có được một thỏa thuận thương mại trong khu vực sẽ giúp các quốc gia này dễ "mặc cả" hơn với Hoa Kỳ về các điều khoản.

Các nhà lãnh đạo khu vực không nên để cơ hội này trượt mất một lần nữa. Hiện Trung Quốc đang là nước dẫn đầu thúc đẩy việc đàm phán và kí kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) song song với TPP nhưng đây là một thoả thuận hẹp hơn và tập trung chủ yếu vào việc cắt giảm thuế thay vì các vấn đề quan trọng hơn đối với các nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản hay Úc.

Ông Trump đã đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại được đánh giá cao nhất trong hiện tại và không có lý do nào các nhà lãnh đạo khác cũng mắc phải sai lầm đó.