Châu Á Thái Bình Dương có thể mất tới 4,5 nghìn tỷ USD vì bất bình đẳng giới

Duy Linh - 15:21, 24/04/2018

TheLEADERTheo McKinsey Global Institute, dù được xem là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, châu Á Thái Bình Dương vẫn chưa thể tận dụng hết được tiềm năng kinh tế bởi một trong nhiều vấn đề là bình đẳng giới.

Châu Á Thái Bình Dương có thể mất tới 4,5 nghìn tỷ USD vì bất bình đẳng giới
Gia tăng tỉ lệ tham gia của nữ lao động sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả và giá trị. Ảnh: The ASEAN Post

Theo báo cáo mới đây từ MGI, bộ phận nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của McKinsey Global Institute, những chính sách hướng tới mục tiêu đạt được sự bình đẳng cho phụ nữ có thể tạo ra thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP mỗi năm của khu vực này giai đoạn tới 2025.

Con số này tương đương với 12% gia tăng giá trị nếu như tình trạng hiện tại vẫn duy trì, Bloomberg đưa tin.

Tác giả của báo cáo này đánh giá rằng: "Phụ nữ có thể giúp đỡ, và đang giúp đỡ trong việc nâng cao nền kinh tế này, đóng góp quan trọng vào việc duy trì và tăng cường sự phát triển của khu vực châu Á cũng như giúp nhiều người thoát nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn còn khá lớn tại nhiều quốc gia trong khu vực kể cả trong công việc lẫn xã hội".

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, 58% sự tăng trưởng tiềm năng trên có thể đạt được từ việc gia tăng tỉ lệ lao động nữ, 1/4 từ việc đưa nhiều lao động nữ hơn tham gia vào các ngành có năng suất cao hơn và 17% tăng trưởng từ việc tăng giờ làm cho phụ nữ.

Báo cáo trên cũng cho thấy, tính trung bình toàn cầu, có 10 người đàn ông làm lãnh đạo thì có chưa đến 4 người phụ nữ với vị trí tương tự và con số này thậm chí chỉ còn thấp hơn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương với 1 nữ trong số 4 nam.

Đối với các chỉ số xã hội, khu vực Nam và Đông Nam Á có tình trạng cân bằng giới tốt hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số và tài chính so với an ninh và quốc phòng.

Thông tin từ báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù chiếm một nửa số dân số, phụ nữ chỉ đóng góp 36% trong tổng số 26 nghìn tỷ USD GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương và tỉ lệ này tương tự trên quy mô toàn cầu.

Tại Việt Nam, báo cáo “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và Tiềm năng” được công bố bởi công ty tài chính quốc tế (IFC) hồi giữa tháng 11 năm ngoái chỉ ra rằng thị trường tài chính khoảng 1,19 tỷ USD của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn bị "thờ ơ".

Theo IFC, trong khi có gần 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do nam giới làm chủ tiếp cận được với vốn vay ngân hàng thì con số này là 37% đối với các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu.

Ngay cả khi các doanh nhân nữ đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì họ luôn có xu hướng nhận được ít hơn những gì họ mong muốn và số tiền họ nhận được cũng thấp hơn so với nam giới.

Theo số liệu từ IFC, phụ nữ Việt đang quản lý và điều hành hoạt động của gần 45.000 DNVVN thuộc các lĩnh vực khác nhau và các nữ doanh nhân tạo ra lợi nhuận trung bình hằng năm tương đương với các nam doanh nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của họ đang tăng trưởng với tốc độ trên 20%.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, người phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia của tập đoàn Deloitte trên toàn cầu cho rằng một xã hội bình đẳng và một cơ hội bình đẳng là khi đứng trước một cơ hội nghề nghiệp, nam hay nữ thể hiện đam mê tốt hơn thì người đó sẽ nắm bắt được và có khả năng phát triển hơn. Điều này nam nữ bằng nhau và không hề có sự phân biệt.