Cháy chung cư: 'Tiền bồi dưỡng' hay trực thăng cứu hộ trên cao

Quỳnh Như - 08:00, 05/04/2018

TheLEADER"Chúng ta có kinh nghiệm về quản lý dân cư, không có kinh nghiệm quản lý chung cư, đó chính là lý do phát sinh quá nhiều sự mâu thuẫn từ chủ đầu tư – ban quản lý – ban quản trị trong quá trình quản lý và điều hành chung cư", ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.

Cháy chung cư: 'Tiền bồi dưỡng' hay trực thăng cứu hộ trên cao
Một vụ cháy chung cư cao tầng. Ảnh minh họa

Nhiều đề xuất lạ kèm những tranh cãi gay gắt giữa các đại biểu tham dự hội nghị về Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy với chung cư và nhà cao tầng do Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) tổ chức xung quanh những ý kiến đóng góp cho thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam có hai đề xuất đáng chú ý:

Thứ nhất, nên bắt buộc các chung cư mua bảo hiểm, nhưng với điều kiện phải chọn công ty bảo hiểm uy tín. Các nước phương Tây đều làm thế. Bởi, với doanh nghiệp bảo hiểm tốt, nếu hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của chung cư không đảm bảo an toàn cháy nổ, họ sẽ từ chối bảo hiểm hoặc lấy phí rất cao. 

Ngược lại, các công ty bảo hiểm sẽ lấy giá thấp, đó cũng là một cách để cảnh tỉnh cư dân trong chung cư.

Cháy chung cư: 'Tiền bồi dưỡng' hay trực thăng cứu hộ trên cao
Ông Nguyễn Xuân Thành.

Thứ hai, khi các lực lượng PCCC tới kiểm tra định kỳ, ban quản trị tòa nhà nên có "tiền bồi dưỡng", dân cư nên duyệt khoản chi phí này, nên công khai minh bạch còn hơn dấm dúi!

Tuy nhiên, đại diện đến từ công ty quản lý – vận hành nhà chung cư Song Ngọc phản đối quyết liệt đề nghị thứ hai của ông Thành. Theo đại diện chung cư Song Ngọc, nếu ban quản trị chung cư làm như thế, chẳng khác nào đang thỏa hiệp và tiếp tay cho chuyện tham ô hối lộ. 

Vị này nói rất gay gắt: Việc kiểm tra định kỳ là công việc tất nhiên phải làm của các cơ quan PCCC, tại sao phải bồi dưỡng?

Nhiều đại diện đến từ các công ty trong ngành xây dựng – bất động sản cho rằng: những biện pháp mọi người nghĩ là hiệu quả như trực thăng cứu hộ trên sân thượng, ống thoát hiểm bằng vật liệu co dãn… trong các vụ cháy nổ nhà chung cư cao tầng là không khả thi.

Đối với ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, để hạn chế việc ngộp khói, các hành lang chung cư nên làm càng thông thoáng càng tốt; ông Trần Phúc Đông, đại diện đến từ doanh nghiệp thiết kế - thi công khác không đồng ý với đề xuất này.

Theo ông Đông, dù đã suy nghĩ hơn 5 năm qua về vấn đề này và vẫn chưa biết nó đúng hay sai. Vì khi xảy ra hỏa hoạn, nếu hành lang quá thông thoáng, gió bên ngoài thổi vào, chẳng khác nào tiếp tay cho "nổi lửa". Tại Úc, những chung cư cao từ 70 đến 80 tầng, hành lang của họ tương đối khép kín và được vận hành bởi hệ thống thông gió 2 chiều.

Còn việc sử dụng trực thăng để giải cứu người dân ở sân thượng trong các vụ cháy chung cư theo ông Đông cũng không khả thi: Trong cơn hoảng loạn, 1.000 người chen lấn xô đẩy có thể kéo ngã cả trực thăng.

Đại diện đến từ Cảnh sát PCCC cho rằng, giải pháp sử dụng ống bằng vật liệu co giãn như ở Nhật để thoát hiểm là không thể áp dụng ở Việt Nam. Đơn giản, các chung cư ở Việt Nam không có chỗ để đặt những chiếc ống như thế! Thực tế nhất, hãy đầu tư cho mình những thang dây ròng rọc có móc cố định như các cư dân các chung cư bên Phú Mỹ Hưng.

Trước những đề xuất trên, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, ông Huỳnh Cách Mạng cho biết, thành phố sẽ xem xét kỹ tất cả những đề xuất, ý kiến cũng như tranh luận của các đại biểu trước khi ra quyết định cuối cùng. Ông đánh giá cao những đề xuất như bắt buộc cư dân mua bảo hiểm, hay thang trang bị những ròng rọc có móc cố định…

"Chúng ta có kinh nghiệm về quản lý dân cư, không có kinh nghiệm quản lý chung cư, đó chính là lý do phát sinh quá nhiều sự mâu thuẫn từ chủ đầu tư – ban quản lý – ban quản trị trong quá trình quản lý và điều hành chung cư.

Singapore cũng cháy nhiều như Việt Nam, nhưng hậu quả lại không nặng nề như chúng ta. Do đó, phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp để mình cũng được an toàn như nước bạn. Hoạt động ưu tiên của thành phố là sẽ khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau đó, mới tìm nguyên nhân đúng và khách quan", ông Mạng nêu vấn đề.

Cháy chung cư: 'Tiền bồi dưỡng' hay trực thăng cứu hộ trên cao 1
Ông Huỳnh Cách Mạng phát biểu trong hội nghị.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo TP. HCM, việc khắc phục như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng, khi thành phố có tới 1.200 chung cư, trong đó có rất nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng.

Sắp tới, thành phố sẽ giao cho Cảnh sát PCCC đến kiểm tra, đốc thúc cũng như có các phương án phòng cháy cụ thể với từng chung cư có nguy cơ cháy nổ cao. Tất nhiên, cơ quan này phải đưa ra lộ trình phù hợp, chứ không được nói chung chung.

Thành phố cũng sẽ đưa ra các chế tài đủ mạnh mẽ và khắt khe đối với từng chủ thể, đồng thời, sẽ chỉ thị cho các chính quyền địa phương rà soát và báo cáo xem có bao nhiêu chung cư có ban quản lý, chung cư nào có chung cư nào không, ông Mạng cho biết.