Chi tiêu công ở Việt Nam thuộc nhóm tốn kém trong khu vực

Linh Lan - 16:14, 03/10/2017

TheLEADERChi tiêu công cao, bội chi ngân sách khiến nợ công tăng nhanh trong khi nguồn vốn ODA giảm xuống... đang là bài toán khó cho Việt Nam, theo báo cáo chi tiêu công vừa được công bố.

Chi tiêu công ở Việt Nam thuộc nhóm tốn kém trong khu vực
Chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Ảnh Tạp chí Tài chính

Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo "Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng" tại Hà Nội ngày 3/10.

Đại diện WB cho biết, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển đổi trong quá trình phát triển, bao gồm việc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, dân số già đi, đẩy mạnh mở cửa với nền kinh tế thế giới và phân cấp nhanh.

Những chuyển biến này giúp Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tỷ lệ nghèo đói giảm ấn tượng và quá trình cung ứng dịch vụ đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này kéo theo nhu cầu chi tiêu tăng cao, dư địa ngân sách bị thu hẹp. 

Báo cáo nhận định, chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Tổng chi Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu) bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn trước là 28,9%) - đây mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Đồng thời, bội chi ngân sách liên tục ở mức cao khiến nợ công tăng nhanh, trong khi nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) giảm xuống càng cho thấy tầm quan trọng của việc phải xây dựng một lộ trình ngân sách bền vững.

Theo thống kê, tốc độ tăng thu trong giai đoạn từ 2011 - 2015 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá), tuy vẫn tích cực, nhưng đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thu từ Ngân sách Nhà nước so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011 - 2015. 

Nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%) và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%).

Theo đó, Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá Chi tiêu công với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển khác để giúp xác định cách thức phù hợp nhằm đối phó với những thách thức đối với quản lý ngân sách, tiến trình xã hội hóa, cái cách thể chế, bố trí và ưu tiên nguồn lực nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển.

Cụ thể, đánh giá cung cấp thông tin và đưa ra 68 khuyến nghị chính nhằm giải đáp cho ba câu hỏi chính xuyên suốt 15 chương, bao gồm: (1) Làm thế nào để tạo ra dư địa ngân sách cần thiết để đảm bảo cho các nhiệm vụ chi tiêu chính trong bối cảnh thu chậm lại? (2) Làm thế nào để đảm bảo chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết được với các ưu tiên của quốc gia? (3) Làm thế nào để tăng cường trách nhiệm giải trình kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP; phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.

Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện và do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới cùng soạn thảo, với sự hỗ trợ tích cực về tài chính và kỹ thuật của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (UKaid), Tổng cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), và Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC).

Theo Bộ Tài chính, đây là đánh giá chi tiêu công phối hợp đầu tiên sau hơn 10 năm. Báo cáo này có phạm vi khá toàn diện, bao gồm 15 chương, trong đó gồm: 5 chương liên ngành, 5 chương chuyên ngành (cho 5 ngành chiếm gần 50% tổng chi Ngân sách Nhà nước), 5 địa phương (đại diện cho 2 nhóm các địa phương điều tiết ngân sách về trung ương và các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) và một đánh giá tổng quan gồm các nhận định và khuyến nghị bao trùm tất cả các chương.