Chợ nổi Việt Nam xoay xở ở lại mặt nước

Hồng Hạnh - 20:02, 11/09/2017

TheLEADERChợ nổi Cái Răng đã trở thành "nạn nhân" của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỉ qua tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết, nhiều người đang bỏ tàu thuyền của mình để chuyển lên bờ sống và làm việc. Người đàn ông 71 tuổi này nói rằng: "Hiện tôi không còn có nhiều khách hàng nữa. Trước đây mọi thứ đều ổn nhưng giờ rất nhiều chủ thuyền đã bỏ chợ lên bờ".

Người bán hàng đang chuẩn bị rau để bán cho cư dân trên chợ nổi

Ông Út đã hành nghề kinh doanh sửa chữa cách đây 30 năm trên sông Cần Thơ để nuôi những người con còn lại sau vụ chết đuối lấy đi sinh mạng của vợ ông cùng 2 người con trai. Hiện giờ ông phải sống dựa vào hỗ trợ từ những đứa con đang làm việc tại thành phố Cần Thơ gần đó.

Không ít người không thể xoay xở để có được một cuộc sống trên bờ.

Chợ nổi Cái Răng ngày nay đang trở thành cái bóng của chính mình trước đây. Theo thống kê của cơ quan du lịch địa phương, hiện có khoảng 300 tàu thuyền còn hoạt động tại chợ nổi này, giảm từ con số 550 chiếc vào năm 2005. Chợ đã trở thành "nạn nhân" của sự tăng trưởng kinh tế trong thập kỉ qua ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các ngành công nghiệp và xây dựng đã tạo ra gần 570.000 việc làm, giúp nhiều người khỏi cảnh đói nghèo và lênh đênh trên mặt nước nhưng không ít người lại không thể xoay xở để có được một cuộc sống trên bờ.

Ngay cả những người bán hàng có được mức thu nhập hấp dẫn từ khách du lịch cũng muốn chạy theo cuộc sống trên bờ bởi nhà ở tốt hơn, công việc tốt hơn và tiện nghi hiện đại hơn.

Những chiếc thuyền nằm neo trong một con kênh nối với Sông Hậu

Cô Nguyễn Thị Hồng Tươi bắt đầu làm việc trên mặt nước từ khi còn nhỏ, giống như mẹ và bà ngoại của cô. Mặc dù kiếm được kha khá tiền, song cô không mong đợi con gái mình tiếp tục truyền thống gia đình. "Trong tương lai, tôi muốn con gái tôi sống trên đất liền để có thể học tập và tìm được một công việc phù hợp".

Đó cũng là khát vọng chung của những người trẻ tuổi ở Việt Nam - nơi có hơn một nửa trong số 93 triệu dân dưới 30 tuổi và mong muốn chuyển sang các thành phố đang phát triển nhanh để làm việc.

Chợ Cái Răng được bắt đầu khi Việt Nam, Lào và Campuchia bị chiếm đóng bởi người Pháp. Mạng lưới các kênh rạch cả tự nhiên và nhân tạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng để vận chuyển hàng hoá và con người trong trường hợp không có mạng lưới đường bộ đáng tin cậy.

Một cụ bà 70 tuổi cùng cháu gái 5 tuổi ngồi bên trong một chiếc thuyền mà họ gọi là nhà tại chợ nổi Cái Răng.

Hiện có khoảng hơn 10 chợ nổi còn tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long mặc dù khá nhiều trong số đó đã bị thu hẹp dần.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Phương, giảng viên trường Đại học Cần Thơ, người đã nghiên cứu về lịch sử chợ nổi, cho biết: "Chính quyền địa phương đang cố gắng giữ lại các chợ nổi để bảo tồn và thu hút khách du lịch".

Chợ Cái Răng hoạt động như một thị trường bán buôn với những người bán dậy từ sáng sớm, chở những tàu thuyền đầy hàng hóa và quảng cáo sản phẩm bằng cách treo chúng vào một cây cao trên thuyền. Tại đây không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi...

Sự quyến rũ của chợ Cái Răng đã thu hút hàng triệu du khách và thương gia nước ngoài mỗi năm, khiến chợ nổi này trở thành một điểm dừng chân tuyệt vời của tuyến du lịch sông Mêkông. Năm ngoái, chợ nổi Cái Răng đã được Chính phủ đưa vào danh sách di sản quốc gia cần được bảo tồn.