Chợ nước ngoài giữa lòng Sài Gòn

Quỳnh Như - 08:05, 05/09/2018

TheLEADERCó 3 chợ ngoại nổi danh ở TP. HCM là chợ Nga, chợ Campuchia và chợ Hàn Quốc.

Chợ nước ngoài giữa lòng Sài Gòn
Cổng vào chợ Nga

Chợ Nga (Russian Market) nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.1) với gần 200 gian hàng chiếm trọn 3 tầng lầu.

Những năm 1990, khi các nước Đông Âu tan rã, nhu cầu hàng hóa, nhất là đồ giữ ấm của dân Nga cầu thấp hơn cung. Theo đó, một số du học sinh, tiểu thương Việt ở Nga nắm bắt được cơ hội nên đã nhờ người thân gửi hàng từ Sài Gòn sang Nga buôn bán kiếm lời, nhu cầu trao đổi hàng Nga cũng phát sinh từ đó. Năm 2000, khi Trung tâm thương mại Cantral Garden đi vào hoạt động, chợ Nga cũng hình thành.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM
Một góc tầng trệt chợ Nga
Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 1
Áo khoác chống lạnh đủ kiểu dáng và chất liệu bày bán đầy rẫy ở chợ Nga

Với tính chất như thế, nên không ngạc nhiên khi mặt hàng chủ lực trong chợ - tạo nên sự khác biệt với các chợ khác, chính là đồ giữ ấm cơ thể. Có thể dễ dàng tìm thấy tất tần tật đồ chống lạnh: từ găng tay, vớ, mũ len, khăn quàng, áo khoác dày nặng đủ kiểu dáng và chất liệu như măng tô, cardigan, jacket, bomber, phao, nỉ, lông thú, lông vũ… bày bán la liệt khắp nơi.

Ngoài ra còn có túi ngủ, lều bạt, balo… phục vụ cho những khách muốn đi trek hoặc cắm trại ở vùng núi cao.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 2
Không ít hàng quán có bảng hiệu bằng tiếng Nga

Tuy nói là chợ Nga, nhưng không có nghĩa khách đi Nga mới tới chợ mua sắm. Khách đi các nước ôn đới và hàn đới khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal, Mỹ, châu Âu vẫn có thể kiếm những món đồ ưng ý ở chợ. 

Để giúp khách có thể thuận tiện lựa chọn trang phục phù hợp với nơi đến, các tiểu thương ở đây thường hỏi: “Anh/chị đi nước nào”, sau đó họ sẽ căn cứ vào độ lạnh của nơi khách đến tư vấn áo quần và phụ kiện phù hợp.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 3
Một khách nước ngoài đang lựa chọn áo quần ở chợ
Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 4
Cửa hàng thực phẩm hiếm hoi nằm khuất phía sau chợ Nga

Theo các tiểu thương ở đây, thời điểm chợ Nga đông khách nhất là vào gần dịp Tết, khi một lượng lớn dân nhập cư ở TP. HCM cần mua đồ giữ ấm để về quê ở miền Trung và miền Bắc ăn Tết; cùng một bộ phận cư dân TP. HCM đi du xuân ở nước ngoài.

Khác với chợ Nga chuyên bán trang phục chống lạnh, chợ Campuchia ở đường Lê Hồng Phong (Q.10), chủ yếu bán nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Tên chính thức của chợ Campuchia là chợ Lê Hồng Phong, có từ lâu đời, bán nhiều loại hàng hóa, trong đó hơn 2/3 gian hàng kinh doanh các hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc Campuchia, nên thường gọi là chợ Campuchia.

Nếu quan không sát kỹ, chợ Campuchia chẳng khác nhiều so với các chợ trong hẻm khác ở TP. HCM. Nó cũng bán những loại rau củ quả, trái cây, cá thịt… có nguồn gốc chủ yếu ở Việt Nam. Chính những hàng quán bán các đặc sản có nguồn gốc Campuchia đã tạo nên sự độc đáo cho khu chợ này.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 5
Quán bún Campuchia

Nổi tiếng nhất trong chợ là hàng chè và bún vẫn còn đậm đặc hương vị Campuchia, cộng với một vài cửa hàng bán gạo, đường thốt nốt, cá khô có nguồn gốc từ Biển Hồ. Cá/thịt khô và các loại mắm bày la liệt trên hẻm trong quán là những hình ảnh ấn tượng nhất với du khách khi viếng thăm khu chợ này.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 7
Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 8
Các loại đặc sản như cá/thịt khô, đường thốt nốt, gạo đều được nhập từ Camphuchia

Mới đầu, chợ Camphuchia ra đời để phục vụ cho một lượng lớn ngoại kiều Campuchia và quần thể dân nhập cư người Miên từ miền Tây ở TP. HCM; nhưng theo thời gian, khu chợ này trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách muốn trải nghiệm văn hoá - ẩm thực Campuchia nhưng chưa có cơ hội du lịch tại đất nước này. 

Cuối cùng là chợ Hàn Quốc ở đường Tân Sơn Hoà (bên hông chợ Phạm Văn Hai - Quận Tân Bình). Trước đây, chợ này có rất nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Hàn Quốc từ đồ bình dân phục vụ cho ăn uống như ớt bột, kim chi, mì tôm, rong biển cho đến những món hàng sang chảnh như nhân sâm, hải sâm nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 9
Muôn sắc chợ ngoại ở TP. HCM 10
Vài cửa hàng ít ỏi còn lại ở chợ Hàn Quốc

Nhưng hiện tại, khu chợ này đang dần biến mất, chỉ còn lèo tèo vài cửa hàng còn mở cửa. Theo một chủ cửa hàng ở chợ này cho biết, nguyên nhân khiến khu chợ này dần biến mất là bởi hàng loạt đại siêu thị và siêu thị mini của các thương hiệu Hàn Quốc đang hình thành với quy mô lớn tại Việt Nam. 

Bây giờ, người Hàn Quốc cần gì đều đến hệ thống của Lotte, ngoài ra, lượng người Hàn bây giờ không còn tập trung đông đúc ở quận Tân Bình như trước kia, mà phần lớn đang sống ở quận 7.