Chủ tịch APEC CEO Summit Vũ Tiến Lộc: Đẳng cấp doanh nghiệp Việt đã khác APEC 2006

Vũ Long - 07:03, 08/11/2017

TheLEADERDoanh nghiệp Việt Nam hiện nay so với kỳ APEC 2006 đã trưởng thành nhiều, số lượng, chất lượng đều được cải thiện đặc biệt trong hội nghị thượng đỉnh lần này, Việt Nam có vai trò chủ động, dẫn dắt và đưa ra sáng kiến.

Chủ tịch APEC CEO Summit Vũ Tiến Lộc: Đẳng cấp doanh nghiệp Việt đã khác APEC 2006
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Một trong sự kiện điểm nhấn được giới doanh nhân trông chờ trong tuần lễ cấp cao APEC 2017 chính là Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit 2017) diễn ra từ chiều 8/11 đến 10/11. 

Trong số hơn 800 lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương tham dự, bốn đại diện doanh nghiệp Việt Nam gồm Tập đoàn TBS, Hãng hàng không Vietjet, Tập đoàn Vingroup, Công ty Sữa TH được đề cử tham gia các phiên đối thoại chính thức. 

Trước thềm sự kiện quan trọng này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017. 

Là Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Đây là một diễn đàn đối thoại về chính sách và tương lai của nền kinh tế toàn cầu của các nền kinh tế APEC lớn nhất chuẩn bị diễn ra ở Việt Nam. Đây là diễn đàn toàn cầu ở đẳng cấp cao nhất với những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, đây là nơi hội tụ của tinh hoa và những người kiến tạo ra nền kinh tế thế giới ngồi ở Việt Nam vào thời điểm đó. 

Các nguyên thủ, tổng thống và doanh nghiệp hàng đầu của APEC đến đây với Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào đây một mặt tham gia tích cực vào đối thoại để trao đổi, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế thế giới và khu vực, và đưa ra giải pháp kiến nghị với Chính phủ và nâng mình lên.

Còn với vai trò Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan đại diện và là tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông đâu là yếu điểm chung của các doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Vũ Tiến Lộc: Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không định vị được mình và cũng không có một chiến lược phát triển cho phù hợp, việc tham gia tích cực vào các diễn đàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới sẽ trang bị cho chúng ta thiếu hụt này. Bên cạnh đó, là sự kết nối với cộng đồng kinh doanh quốc tế. 

Trên thực tế những sáng kiến của VCCI cũng là trên cơ sở kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Khi mình trao đổi lắng nghe họ, doanh nghiệp mình có tầm nhìn toàn cầu, từ đó định vị mình và định hướng các hoạt động kinh doanh.

APEC CEO Summit 2017 là sự kiện được cả giới kinh doanh chờ đợi nhưng vì số lượng hạn chế nên phần lớn doanh nhân không có cơ hội trực tiếp tham dự. Đâu là kênh kết nối cho những doanh nghiệp không thể tham dự sự kiện quan trọng này, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể đến đó, đều có thể tương tác được nhưng lãnh đạo các địa phương, các cơ quan xúc tiến đầu tư đều có thể kết nối. Tất cả các kết nối đó sẽ định hình cho các cơ hội kinh doanh cụ thể và sẽ lan toả cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

Sự thôi thúc của sự kiện này ở chỗ, chúng ta đang sống trong một giai đoạn hội nhập, sống trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, mặc dù quá trình hội nhập có thể gặp những trở ngại ở đâu đó, nhưng thúc đẩy của hội nhập và sự thuyết phục của làn sóng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo.

Trong những ngày này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tư duy cùng với tư duy của nhân loại, của khu vực. Đây là một giai đoạn hiếm hoi và cũng là một bước tiếp tục chuẩn bị cho sự kiện chúng ta sẽ là chủ tịch của ASEAN vào năm 2020.

Có lẽ đây là một đỉnh cao của hội nhập, đỉnh cao của Việt Nam đóng góp vào định hình nền kinh tế thế giới và khu vực. Chúng ta thấy chúng ta có thể làm nhiều việc và chúng ta thấy chúng ta không nhỏ nhoi, vẫn có thể vươn tới sự cạnh tranh được.

10 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và đây là lần thứ hai Việt Nam là nước chủ nhà APEC, có sự khác biệt hay ý nghĩa lịch sử gì đối với doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trước đây, hội nhập là quá trình đang được đẩy tới và không có trở ngại, dưới sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn như Mỹ. Bây giờ khác, quá trình hội nhập một mặt đã chứng minh được những thành công như động lực phát triển, nhưng cũng bộc lộ những điểm hạn chế như nó không chú ý đến lợi ích của từng nền kinh tế, có nhiều đối tượng bị tổn thương như khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, người ta không được hưởng những thành quả của sự phát triển và không được tham gia vào quá trình phát triển. 

Bây giờ quá trình này người ta cần phải điều chỉnh cái đó. Cần phải có sự đối thoại, sự dung nạp giữa xu hướng mậu dịch và xu hướng bảo hộ mậu dịch để tìm một mô hình mới của hội nhập theo một hình thức hài hoà, đồng thuận cao hơn, bền vững tốt hơn. Cuộc đối thoại đó đang diễn ra ở Việt Nam.

Vai trò chủ động của APEC lần trước của chúng ta ít hơn, chúng ta tham gia tích cực và là đối tác xây dựng nhưng vai trò có tính dẫn dắt của Việt Nam trong các nội dung ít hơn lần này.

Doanh nghiệp Việt Nam so với lần trước thì lần này đã trưởng thành nhiều, lần trước mới ra đời, chập chững với môi trường quốc tế, hội nhập chưa nhiều sức cạnh tranh chưa lớn. Lần này, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện. Chúng ta cũng đã đương đầu với các cuộc cạnh tranh quốc tế trực diện. 

Tất nhiên càng ngày chúng ta càng bộc lộ rất rõ các điểm yếu của người khổng lồ mà có chân đất sét, nhưng nó cũng ngày càng chứng minh sức năng động của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cũng mang lại niềm tin về một thế hệ khởi nghiệp. 

Những sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam không thua kém nhưng mà không có diện rộng và phổ biến nên tinh thần sáng tạo phải trở thành cốt lõi và phổ biến.

Một trong những mục tiêu của hội nghị là hướng tới hỗ trợ hình thành một khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương, liệu đây có phải là thách thức quá lớn?

TS. Vũ Tiến Lộc: Quá trình đầy gian nan, tuy nhiên khi không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mọi nền kinh tế sẽ hướng đến hình thành một khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương.

Đâu là thông điệp quan trọng nhất mà ông mong muốn chia sẻ cùng giới doanh nhân khi Việt Nam chúng ta tổ chức sự kiện APEC lần thứ hai này?

TS. Vũ Tiến Lộc: Tuyên ngôn của APEC lần này mình là chủ nhà cần dẫn dắt các cuộc thảo luận, trước kia mình đi theo, còn bây giờ mình dẫn dắt, đưa ra sáng kiến.

Tổ chức APEC lần này cũng là một chứng minh Việt Nam có thể vươn tới chuẩn mực thế giới. Đây là thông điệp quan trọng nhất là Việt Nam có thể vươn tới và cần vươn tới chuẩn mực quốc tế. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!