Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nhận giải Oscar của ngành kim hoàn châu Á

Quỳnh Chi - 20:22, 17/09/2019

TheLEADERJNA vinh danh giải thưởng thành tựu trọn đời của ngành kim hoàn châu Á cho bà Cao Thị Ngọc Dung vì những đóng góp to lớn cho công cuộc vực dậy nghề kim hoàn Việt Nam suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Giải thưởng JNA Awards thường niên vừa được tổ chức tại Hồng Kông để vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân đã có những thành tựu tiêu biểu, xuất sắc, sự phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu trong khu vực, cũng như ghi nhận những nổ lực đóng góp, cống hiến to lớn vì sự phát triển của ngành kim hoàn châu Á. 

JNA Awards 2019 được ví như giải Oscar của ngành kim hoàn châu Á được trao hàng năm, do tạp chí Jewellery News Asia – chuyên ngành về trang sức uy số 1 châu Á và có tầm ảnh hưởng, uy tín trong ngành kim hoàn thế giới tổ chức và công bố trong khuôn khổ triển lãm trang sức lớn nhất thế giới diễn ra tại Hồng Kông hàng năm. 

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung đã được ban tổ chức xướng tên nhận giải thưởng danh giá thành tựu trọn đời của ngành kim hoàn châu Á.

Đồng thời, PNJ cũng được trao giải Nhà bán lẻ số 1 châu Á, đây là hạng mục giải thưởng quan trọng nhất năm dành cho các công ty kim hoàn châu Á. 

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nhận giải Oscar của ngành kim hoàn châu Á
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung tại lễ trao giải thưởng JNA Awards

Theo bà Letitia Chow, Chủ tịch giải thưởng JNA kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Jewellery Group, bà Dung là một người phụ nữ có niềm tin và bản lĩnh mạnh mẽ.

Với quyết tâm và đam mê, bà đã đánh dấu ngành kim hoàn Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thấm nhuần một đạo đức ngành nghề sâu sắc và với tấm lòng bao la, bà Dung liên tục cống hiến cho cộng đồng, hỗ trợ sự phát triển của nữ doanh nhân tại Việt Nam. 

Đây được xem là niềm tự hào lớn cho ngành kim hoàn Việt Nam, tiếp tục là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh không ngừng và vươn tầm của ngành kim hoàn Việt Nam trong nhiều năm qua so với các nước trong khu vực, cũng như những đóng góp tích cực của ngành kim hoàn Việt Nam cho sự phát triển chung của ngành kim hoàn khu vực châu Á. 

Bà Dung đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc vực dậy, làm sống dậy nghề kim hoàn Việt Nam từ những năm 1988. 

Trong thời buổi nghề kim hoàn có nguy cơ bị mai một, Chủ tịch PNJ đã làm thay đổi diện mạo của ngành kim hoàn trong nước, tiên phong xây dựng ngành công nghiệp sản xuất trang sức, nỗ lực đưa trang sức Việt Nam ra khu vực và thế giới, khẳng định vị thế quốc tế ngành kim hoàn Việt Nam, cũng như góp phần phát triển bền vững ngành kim hoàn châu Á.

Bà còn là người gây dựng lại đội ngũ thợ nữ trang, nghệ nhân kim hoàn của Việt Nam từ đó và phát triển nhanh, mạnh, giỏi tay nghề. Đến nay, đã có trên 1.000 lực lượng thợ nữ trang đang công tác tại PNJ cũng như nhiều thợ nữ trang lành nghề đang công tác tại nhiều công ty trang sức và cơ sở tư nhân khác. PNJ được xem như cái nôi, lò đào tạo thợ nữ trang lành nghề.

Trước kia, Bà Dung cũng đã thẳng thừng từ chối liên doanh với các doanh nghiệp trang sức lớn của các nước lớn ngay từ những năm đầu thành lập, vì bà sớm nhận ra họ cũng chỉ cần "thị trường" Việt Nam là chính.

Bà Dung luôn có niềm tin sẽ hiện thực hóa giấc mơ về một thế giới trang sức cho người phụ nữ Việt Nam, do người Việt Nam làm nên, “cái gì nước ngoài làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được”, Việt Nam cũng phải có một thương hiệu trang sức đẳng cấp, một doanh nghiệp kim hoàn lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu trang sức nổi tiếng thế giới.

Với bản lĩnh tài ba và đam mê, quyết tâm mãnh liệt thực thi sứ mệnh “mang lại niềm kiều hãnh cho khách hàng bằng các sản phẩm tinh tế, chất lượng vượt trội”, bà đã biến giấc mơ lớn ấy thành hiện thực.

Chính bà Dung cũng là người đã đặt nền móng cho sự ra đời của ngành sản xuất trang sức theo dây chuyền công nghiệp ngày nay. Với tầm nhìn xa là trở thành công ty chế tác và bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á, không thể chỉ dựa vào tay nghề thủ công truyền thống. 

Ngay từ những năm 1990, bà Dung đã “xuất ngoại” học hỏi về công nghiệp sản xuất nữ trang tại các quốc gia có ngành kim hoàn phát triển, đầu tư nhập máy móc công nghệ tiên tiến, thành lập xưởng chế tác nữ trang, tạo nên bước ngoặc quan trọng cho ngành kim hoàn Việt Nam. 

Từ cột mốc đó, Việt Nam đã có những sản phẩm trang sức đầu tiên được sản xuất theo dây chuyền công nghệ chính thức ra đời. Để hôm nay, Xí nghiệp nữ trang PNJ (nay là công ty chế tác trang sức PNJP – Công ty thành viên của Tập đoàn PNJ) trở thành là một trong những xí nghiệp lớn nhất khu vực. 

Từ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc của quận Phú Nhuận thành lập 1988 với vốn 7,4 lượng vàng và 20 con người, đến nay PNJ đã có mạng lưới bán lẻ 400 cửa hàng phủ sóng 54 tỉnh thành trên toàn quốc. Tổng tài sản 6.526 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.226,7 tỷ đồng. 

PNJ đã trở thành công ty trang sức hàng đầu châu Á với vốn hóa thị trường năm 2018 trên 1 tỷ USD. Tổng doanh thu 2018 là 14.679 tỷ đồng, lãi trước thuế 2018 là 1.205,6 tỷ đồng, lãi sau thuế 2018 là 959,9 tỷ đồng, tổng cán bộ nhân viên gần 7.000 người. 

Đồng thời, bà Dung còn là gương mặt tiên phong trong nhiều hoạt động kết nối, gắn kết cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân nữ và những doanh nhân trẻ. 

Bà cũng dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) với mục tiêu phát triển giáo dục, phát triển con người, cải thiện môi trường sống, kết nối các tổ chức, các doanh nghiệp để cùng tạo lập một xã hội phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của bà Dung với triết lý kinh doanh “đặt lợi ích khách hàng, lợi ích của xã hội vào lợi ích của doạnh nghiệp”, suốt 31 năm qua, PNJ không chỉ định vị thành công vị thế quốc tế trong lĩnh vực kim hoàn, mà còn trở thành một trong những doanh nghiệp điển hình tiên phong phát triển bền vững, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực châu Á. 

Bà Dung được CSRWorks châu Á vinh doanh là Superwomen vì sự phát triển bền vững. Bà cũng đã được Forbes châu Á bình chọn nằm trong nhóm 40 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất châu Á 2018 và nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá, uy tín trong nước và quốc tế.