'Chủ tịch thành phố nóng thì các giám đốc sở cũng phải nóng lên'

Hương Xuân - 08:00, 19/03/2018

TheLEADERTheo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo thành phố "nóng" nhưng các giám đốc sở "lạnh" thì không thể thúc đẩy được cải cách, không thể giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Lắng nghe và trả lời trực tiếp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp bằng thái độ cầu thị, với những cam kết cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM chia sẻ như thế trong cuộc gặp gỡ hơn 300 doanh nghiệp với chủ đề “Đột phá cơ chế cùng doanh nghiệp phát triển TP. HCM nhanh, bền vững” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM. 

Cam kết chỉ kiểm tra doanh nghiệp duy nhất 1 lần trong năm

Không gặp mặt doanh nghiệp theo kiểu “đến hẹn lại lên”, sự quyết tâm và tinh thần đồng hành, chia sẻ trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Phong được thể hiện bằng sự quyết liệt hiếm thấy từ vị chủ tịch thành phố. 

Những kiến nghị có thể trả lời ngay được ông nhìn nhận một cách thấu đáo, có hồi đáp rõ ràng, chỉ rõ đầu mối là ai? Ai là người chịu trách nhiệm thi hành?

Ông Phong cho biết: “Do thông tin hiện nay gặp khó khăn giữa chính quyền với doanh nghiệp. Sắp tới thành phố có chương trình ký kết với Viettel để làm trung tâm khởi nghiệp và tiếp xúc doanh nghiệp. Chúng ta cần một không gian thích hợp cho trao đổi, sinh hoạt với doanh nghiệp. 

Một số ý kiến có nhắc đến chuyện sản phẩm chủ lực của thành phố, tôi đã nghe Sở Công thương báo cáo về vấn đề này. Trong cạnh tranh nếu không biết mình là ai, mạnh cái gì làm sao cạnh tranh? Phải trước hết hiểu mình đã chứ, thông qua sản phẩm dịch vụ cụ thể. 

Về đề nghị rà soát lại các quy định thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành nước ngọt đã lỗi thời, không còn phù hợp, chấm điểm thông qua phần mềm điện tử, đó cũng là kênh để nâng cao chỉ số chính quyền phục vụ. Về logistic, hôm qua thành phố mới trình HĐND để mời gọi các chuyên gia gia một số lĩnh vực, trong đó có logistic, để thành phố phát triển xứng tầm…”

'Chủ tịch thành phố nóng thì các giám đốc sở cũng phải nóng lên'

Vị chủ tịch thành phố nhắc đi nhắc lại chữ “đột phá cơ chế”, điểm mặt tất cả các vị giám đốc sở, ban ngành đang có mặt, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền và của cả doanh nghiệp. Khi có ý kiến nào đi ra ngoài quỹ đạo, chính ông là người kiên quyết dẫn dắt cuộc hội thảo trở về với nhiệm vụ trọng tâm này.

Không để cho những kiến nghị của doanh nghiệp năm nay trôi tuột vào quên lãng, ông Phong đã thực sự củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào những đổi mới quyết liệt sắp tới của chính quyền, để tạo sự đột phá trong cơ chế, ùn tắc về thủ tục, với 6 giải pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

“Đây là dịp quan trọng giúp chúng ta nhìn lại, gợi mở nhiều vấn đề cho doanh nghiệp. Qua một năm gặp gỡ, những nỗ lực của thành phố trong cải cách cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả tới đâu, còn hạn chế điểm nào thì đến cuối 2019 phải rà soát lại hết xem những nỗ lực ấy đến mức nào? 

Thành phố luôn nhận thức vai trò của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, đặc biệt chúng tôi cần nghe là những kiến nghị để cải cách cơ chế chính sách, khơi thông tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nếu chuyển động ở trên của lãnh đạo thành phố nóng, mà các giám đốc sở lạnh thì cũng không thể thúc đẩy cải cách, các giám đốc sở nóng mà các phòng ban bên dưới lạnh thì không thể giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp”, ông Phong nói. 

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân để phát triển TP. HCM giai đoạn 2018 - 2020, ông Phong cho biết, riêng đối với TP. HCM, kinh tế tư nhân nhiều năm qua đã trở thành một động lực trực tiếp, đó là nhờ nỗ lực của từ hai phía. 

Thành phố đóng vai trò kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, ngược lại chính doanh nghiệp đã tạo sự bứt phá, năm 2017 mặc dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập không đạt, chỉ tăng 15%, nhưng vốn đăng ký tăng 200%, cho thấy quy mô đăng ký tăng hơn. Thu hút đầu tư 2017 đứng nhất nước, tăng gấp đôi so với 2016.

Mục tiêu năm 2018 là 500 ngàn doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là cơ cấu chất lượng, làm sao nâng cao chất lượng cạnh tranh và tăng trưởng? Chính sự dấn thân của doanh nghiệp đã giúp TP. HCM được xếp thứ hai trong số 10 thành phố năng động nhất thế giới do tổ chức quốc tế uy tín đáng giá.

Tôi cam kết chính quyền thành phố sẽ tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ nhu cầu kinh doanh, giảm hội họp, dành thời gian đi nắm bắt thực tế doanh nghiệp. 

Tổ liên ngành về đầu tư do tôi làm tổ trưởng, với mục tiêu đến 2020 có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% mức độ 4, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính 2018 đứng trong Top 10 địa phương dẫn đầu cả nước. 

Hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, năm 2018 thành phố sẽ thành lập tổ liên ngành về đất đai, thành lập quỹ phát triển dự án để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp. 

Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp với trọng tâm 2.000 ngàn dự án khởi nghiệp tại Trung tâm khởi nghiệp rộng 4.000m2. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, chỉ kiểm tra duy nhất 1 lần trong năm. Doanh nghiệp cũng cần dấn thân, đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đẩy mạnh đầu tư với các dự án có mức đầu tư cao, tích cực để xuất các dự án, hiến kế. 

Tập trung “giải” những bài toán của chính quyền từ phía doanh nghiệp

Nhận thức rõ về những thách thức lớn đang đặt ra cho TP. HCM, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong chia sẻ với doanh nghiệp: Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố đang đứng trước thách thức lớn, 98,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, trong đó 4,58% doanh nghiệp nhỏ, 88,25% doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ có 1,49% doanh nghiệp lớn. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu rất khó khăn. Đây là bài toán đặt ra cho lãnh đạo thành phố, làm sao thay đổi cơ cấu này. Chúng ta đang đứng trước thời cơ hội nhập thương mại tự do, đặc biệt cơ hội từ CPTPP, nhưng cũng đối diện với thách thức không nhỏ từ chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia lớn và bẫy thu nhập trung bình.

Một đầu bài lớn nữa là thị trường bán lẻ của chúng ta đang cạnh tranh quyết liệt với 20 tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Saigon Coop cách đây mấy năm thị phần chiếm 41%, gần đây tụt xuống 30%. Bán lẻ liên quan đến sản xuất, gắn với cạnh tranh. 

Trong cơ cấu, ngành công nghiệp chế tạo 2017 tăng hơn so với 2016, tốc độ tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp chủ lực tăng. Phải có sự chuyển biến đột phá nào để phát triển bền vững?.

Nhấn mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: “Riêng tháng giêng 2018, sản xuất chủ lực tăng hơn 18%. Ngành nông nghiệp từ xưa giờ tăng không quá 6%, tháng 1/2018 tăng 6,8% là nhờ ứng dụng công nghệ cao. Trách nhiệm của thành phố là phải hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Nhưng bên cạnh đó là câu chuyện đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp thì thành phố cần phải làm gì? Chủ tịch thành phố nóng lên thì các giám đốc sở ngồi đây cũng phải nóng lên, để làm sao phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn”.

Liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp về chương trình kích cầu, làm rõ sản phẩm chủ lực của thành phố và đấu thầu đưa thực phẩm an toàn vào trường học, Chủ tịch thành phố trả lời trực tiếp: “Cuối 2017 tôi có chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa chương trình vay vốn kích cầu, nếu quý vị thấy khó, kiến nghị thẳng với tôi để giải quyết vốn mồi cho doanh nghiệp. 

Còn sản phẩm chủ lực của TP. HCM là sản phẩm nào, tôi giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM gửi đề án này, gửi càng sớm càng tốt. Sở Giáo dục phải kiểm tra lại thức ăn cho chuỗi trong trường học thế nào, công khai, minh bạch. Hiệp hội Lương thực thực phẩm nếu gửi sớm đề án đấu thầu đưa thực phẩm an toàn vào trường học thì trong quý II tôi sẽ chủ trì để tiếp tục hiện thực hóa đề án này”. 

Trả lời trực tiếp ngay tại hội nghị nội dung kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho ngành du lịch, ông Phong cho biết: Ý kiến của ông Kỳ, giám đốc Sở Du lịch cũng lắng nghe và thấy xác đáng. Thành phố chiếm 50% tổng doanh thu du lịch cả nước, đấy là số lượng, điều quan trọng Sở Du lịch cần hết sức chú ý là thời gian lưu trú. 

Theo thống kê nước Úc là nước có thời gian lưu trú dài nhất 14 ngày, đó là điều chúng ta phải tính tới, chứ sáng họ đến chiều họ đi thì phải xem xét lại. Thứ hai họ tiêu bao nhiêu tiền khi đến TP. HCM thì như vậy mới gia tăng kích cầu. Để chuẩn bị cho Seagame sắp tới, cần bao nhiêu chỗ lưu trú cho vận động viên? Cơ sở lưu trú cũng còn rất hạn chế, kể cả tái cơ cấu ngành du lịch… 

TP. HCM muốn trở thành trung tâm thương mại của khu vực, trước tiên phải là trung tâm mua sắm, đó là quyết tâm phải vươn tới, gắn liền với sản xuất ra sao, với các thương hiệu lớn thế nào?

UBND thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cũng đã ký kết hợp tác tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên vào đúng dịp 13/10 hàng năm - Ngày Doanh nhân Việt Nam - như một nỗ lực cụ thể để đồng hành cùng doanh nghiệp.