Chủ tịch tỉnh Bến Tre: 'Phải chủ động tiến lên, không ai dừng lại chờ mình cả'

Quỳnh Như - 09:00, 23/09/2018

TheLEADERNăm 2018 mục tiêu của Bến Tre là cố gắng giữ vững vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, chuyện tiến lê thứ hạng 2 hoặc 3 chỉ là kỳ vọng chứ không phải mục tiêu cụ thể.

Bến Tre đang là một ngôi sao mới nổi về môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử Bến Tre lọt vào Top 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh (PCI) của Việt Nam. 

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, Bến Tre đã tổ chức và tham dự nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, có 55 đoàn doanh nghiệp/tổ chức đến tìm hiểu đầu tư tại Bến Tre. Nửa đầu năm 2018, Bến Tre thu hút được 166,5 triệu USD, đạt 83,26% kế hoạch, bằng 82,36% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng về lĩnh vực năng lượng, trong 8 tháng đầu năm 2018, Bến Tre có 18 dự án về năng lượng tái tại với tổng mức vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre xung quanh những thông tin về chiến lược của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch tỉnh Bến Tre: 'Phải chủ động tiến lên, không ai dừng lại chờ mình cả'
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Bến Tre năm 2016 đứng thứ 12, năm 2017 vọt lên đứng thứ 5, vậy mục tiêu trong năm 2018 là gì? Ông có nghĩ, sau khi “gỡ” hết các nút thắt trong ngành nông nghiệp, PCI của Bến Tre có thể tranh 3 vị trí dẫn đầu?

Ông Cao Văn Trọng: Bến Tre phấn đấu tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 trong năm 2018, chuyện đứng thứ 2 hay 3 chỉ kỳ vọng chứ không phải mục tiêu cụ thể. Trong công cuộc cạnh tranh này, ai cũng tiến lên, không ai dừng lại chờ mình bắt kịp và vượt qua.

Mục tiêu của Bến Tre trong năm 2018 là giữ được thứ hạng như năm trước, chứ vượt lên thì gần như không thể, kinh nghiệm trong quá khứ cho chúng tôi biết điều đó.

Xin ông cho biết tình hình đầu tư ở Bến Tre trong năm 2018?

Ông Cao Văn Trọng: Cho tới thời điểm này, tình hình đầu tư vào Bến Tre rất khả quan, đặc biệt là lĩnh vực chế biến dừa, phụ trợ nông nghiệp và các khu công nghiệp (KCN). Ngoài 2 KCN hiện hữu là Giao Long và An Hiệp, tỉnh vừa mở thêm cụm công nghiệp Long Phước kế bên Giao Long.

Do làm thủ tục mở rộng khu vực đó rất khó, nên tỉnh vừa chủ động đứng ra giải quyết, giải phóng 60ha mặt bằng nữa cho 2 nhà máy chế biến trái cây và nhà máy bia. Tỉnh vẫn còn đang xúc tiến giải phóng thêm 1 mặt bằng cho nhà máy sữa. Nếu các nhà đầu tư khác cần đất để xây dựng phân xưởng – nhà máy, tỉnh sẽ toàn lực hỗ trợ.

Ngành nghề nào thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất, thưa ông?

Ông Cao Văn Trọng: Từ đầu năm đến đây, mảng năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời có nhiều dự án đầu tư nhất, đã có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực này kể từ đầu năm.

13 dự án điện gió được cấp phép có tổng công suất khoảng 1.000MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu Tổng công ty Điện lực chỉ cho phát khoảng 300MW. 

5 dự án mặt trời có số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng và đang trình tất cả hồ sơ lên Bộ Công thương, dự kiến kiến cuối năm nay, sẽ có 2 dự án điện gió bắt đầu lắp trụ.

Nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn là động lực kinh tế chính của Bến Tre, những năm tới, ngoài nông nghiệp tỉnh còn chủ trương khuyến khích đầu tư thêm lĩnh vực nào nữa không, thưa ông?

Ông Cao Văn Trọng: Năm 2018, sản xuất nông nghiệp Bến Tre đã xảy ra 2 sự cố: việc heo rớt giá đầu năm và giá dừa đang xuống rất thấp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tổng doanh thu từ nông nghiệp trong 8 tháng đầu năm cơ bản không bị sụt giảm nhờ 2 nguyên do sau: giá dừa sụt giảm nhưng sản lượng tăng và giá trị từ tôm cá tăng cao hơn mong đợi. 

Ngoài nông nghiệp và chế biến thực phẩm thì năng lượng chính là ngành ưu tiên tiếp theo của Bến Trong trong tương lai gần.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch thu hút 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư của Bến Tre?

Ông Cao Văn Trọng: Thu hút 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư là cho chu kỳ từ đây đến 2020, trong đó có mấy chục dự án mà chúng tôi kêu gọi đầu tư trong các đợt xúc tiến đầu tư vừa qua. 

Những dự án có vốn đầu tư lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản như dự án đô thị mới của Đại Quang Minh, Toàn Gia, Tây Bắc…

Dự án của Đại Quang Minh vẫn đang trình Chính phủ phê duyệt vì diện tích tương đối lớn tới hơn 200ha; dự án Toàn Gia khoảng hơn 70ha, các dự án bất động sản khác bình quân có diện tích từ 20 - 30ha.

Tại Diễn đàn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, giá đất ở Bến Tre đang tăng cao khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu lớn? Thực trạng này như thế nào thưa ông?

Ông Cao Văn Trọng: Hiện nay, đất giá đất nông nghiệp ở Bến Tre đang ngang bằng giá đất bất động sản, từ 8 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha. Bây giờ, thị trường đất ở Bến Tre không còn phân biệt giữa đất nông nghiệp và bất động sản. 

Dù biết giá cả như vậy là bất cập nhưng tỉnh không thể điều chỉnh vì nó được quyết định bởi thị trường.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông của Bến Tre vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động thu mua nguyên liệu nông sản. Tỉnh có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Cao Văn Trọng: Kết nối giao thông với ngoài tỉnh của Bến Tre về cơ bản đã ổn. Tuy nhiên, vào những ngày lễ hội, Bến Tre thường bị nghẽn ở các đường đấu nối qua quốc lộ 1 và cao tốc như tại cầu Rạch Miễu. 

Thế nên, tỉnh đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải cùng Chính phủ nên quan tâm đầu tư thêm cầu Rạch Miễu 2, đã có văn bản trả lời của Chính phủ và tỉnh đang tìm đối tác đầu tư.

Bến Tre vẫn đang cố gắng tận dụng được lợi thế địa lý, nếu giải quyết được ách tắc ở cầu Rạch Miễu, sẽ rút ngắn thời gian lộ trình từ TP. HCM – Bến Tre xuống còn 2 tiếng, rất có lợi cho việc phát triển du lịch lẫn nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!