Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Chi phí không chính thức vẫn đè nặng doanh nghiệp

An Chi - 10:14, 23/03/2018

TheLEADERTính minh bạch, chi phí không chính thức và chất lượng thi hành công vụ là những điểm chưa thể hài lòng về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Chi phí không chính thức vẫn đè nặng doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù môi trường đầu tư đã có nhiều cải thiện song vẫn còn nhiều điểm chưa thể hài lòng. 

Theo đó, vẫn còn đến 59% các doanh nghiệp cho rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức và 28% số doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng đối với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền.

Thời gian tới, doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, PCI là một điển hình cho thấy tiếng nói của doanh nghiệp trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ với TheLEADER bên lề buổi lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI 2017).

Ông nhận định như thế nào về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố?

Ông Vũ Tiến Lộc: Bức tranh về môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017 qua phản ánh của chỉ số PCI đã có nhiều khởi sắc rõ nét. Đây là lần đầu tiên chỉ số PCI của các tỉnh đạt mức kỷ lục kể từ năm 2005, khi chỉ số này bắt đầu được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố.

Điểm nổi bật của chỉ số PCI năm nay là hầu hết các địa phương đều cho thấy sự tiến bộ so với chính mình, tự cải thiện chỉ số của mình. Bên cạnh đó là sự rút ngắn đáng kể của các nhóm tỉnh cuối bảng xếp hạng với các nhóm tỉnh đầu bảng xếp hạng. 

Quan trọng hơn là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đang được khơi dậy. Theo khảo sát của PCI 2017, có đến 52% doanh nghiệp trong nước và hơn 60% doanh nghiệp nước ngoài cho biết rằng họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới. 

Đây là chỉ số niềm tin về môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.

Điều đó cho thấy, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Quá trình truyền lửa, tác động lan toả của các cải cách từ Trung ương về các địa phương đang ấm dần lên, đang nóng lên và đã bước đầu thành công.

Bên cạnh những điểm tích cưc, chỉ số PCI năm nay còn cho thấy những mặt hạn chế nào về môi trường kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Môi trường đầu tư của Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thể hài lòng. Trước hết là tính minh bạch, các thiết chế pháp lý giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đang chuyển biến khá chậm. 

Thứ hai là về chi phí không chính thức, mặc dù đã được cắt giảm đáng kể trong năm qua nhưng vẫn còn đến 59% các doanh nghiệp nói rằng họ vẫn còn phải chi trả các chi phí không chính thức và 28% số doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng đối với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền.

Mặt khác, gần đây một số trở ngại lớn đang nổi lên đối với các doanh nghiệp là việc tiếp cận đất đai đang dần trở nên khó khăn hơn. An toàn trong quyền sử dụng đất khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại do có sự rủi ro nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất của họ.

Khoảng cách giữa các tỉnh xếp cuối bảng xếp hạng và các tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI đã có sự thu hẹp lại song dường như tốc độ tăng trưởng về chỉ số PCI của các tỉnh dẫn đầu lại đang chứng lại. Số điểm PCI của các tỉnh này chỉ xoay quanh mốc 70/100. 

Điều này chứng tỏ đang có những trở ngại lớn trong việc vươn lên của các địa phương, đòi những đột phá cải cách ở Trung ương nhằm tạo ra những dư địa cải cách mới.

Trong bảng xếp hạng PCI năm nay của VCCI có một chỉ số rất quan trọng là chất lượng quản lý của doanh nghiệp, vậy qua nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về hoạt đông của các doanh nghiệp hiện nay? 

Ông Vũ Tiến Lộc: Năng lực quản trị của doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp. Trong 6 nền kinh tế được khảo sát trong Asian, Việt Nam là nước có nền quản trị doanh nghiệp thấp nhất. Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị là việc làm rất quan trọng trong thời gian tới.

Một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân để khu vực này có thể thắng lợi trong quá trình hội nhập.

Báo cáo PCI đã có một chương riêng nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, trong đó, chúng tôi đã có những phát hiện rất quan trọng. Khu vực kinh tế tư nhân
 
mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, song quy mô còn yếu. 

Được biết đến là nền kinh tế có độ mở rất cao, gấp tới gần 2 lần GDP, song khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%. 

Việt Nam đang thiếu vắng rất nhiều những doanh nghiệp cỡ vừa trong nền kinh tế. Với một nền kinh tế đang phát triển, chúng ta thiếu vắng những doanh nghiệp lớn là điều dễ hiểu, nhưng Việt Nam không chỉ ít doanh nghiệp lớn mà còn thiếu cả doanh nghiệp vừa.

Trong khi đó, những doanh nghiệp vừa này lại rất có lợi thế trong cạnh tranh, không chỉ đủ để lớn để hoạt động có hiệu quả mà còn đủ nhỏ để linh hoạt.

Bên cạnh đó, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo, 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế. Trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động, trong số này 85% có dưới 50 lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. 

Thách thức chủ yếu hiện nay của doanh nghiệp là làm thế nào để tăng quy mô của những doanh nghiệp nội địa và tạo điều kiện để họ hội nhập tốt hơn cùng các doanh nghiệp nước ngoài và nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị.

Vậy theo ông, doanh nghiệp hiện nay cần làm gì để nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh?

Ông Vũ Tiến Lộc: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp phải tư nâng cấp mình để phù hợp với nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, PCI là một điển hình cho thấy tiếng nói của doanh nghiệp trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành đã có rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con. Theo ông, lý do tại sao khiến các chủ trương này đến nay vẫn chưa đạt được những hiệu quả như mong đợi?

Ông Vũ Tiến Lộc: Cải cách là một hành trình, chúng ta cần thời gian đủ dài để hoàn thiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, chất lượng nguồn nhân lực cũng cần thời gian để nâng cấp, từng bước cải thiện đi lên.

Hiện Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các cơ quan bộ ngành, chính quyền địa phương đã có những nỗ lực rất quyết liệt về mọi mặt, đặc biệt thúc đẩy việc cải cách với các mục tiêu rất cụ thể như đã đề ra trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Đây là những giải pháp rất đồng bộ và toàn diện.Vì vậy, tôi kỳ vọng với quyết tâm đổi mới của Chính phủ được thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới sẽ là động lực mới cho các địa phương trong việc tiếp tục nâng cao chỉ số PCI của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Xin cảm ơn ông!