Chứng khoán lao dốc nhà đầu tư lo ngại

Trần Dũng - 09:48, 26/04/2018

TheLEADERNhững phiên giảm điểm mạnh gần đây của các chỉ số chứng khoán có thể khiến các nhà đầu tư không hào hứng với các đợt IPO và niêm yết các doanh nghiệp mới.

Ngày 19/4, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chính thức cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu TPBank rất được nhà đầu tư kỳ vọng.

Tuy nhiên, TPBank đã không gặp may.

Ngay trong ngày đầu tiên lên sàn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi gần 44 điểm. 2 ngày sau, thị trường tiếp tục sụt giảm hơn 40 điểm nữa. Lên sàn đúng lúc nhà đầu tư tháo chạy hàng loạt khỏi cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu TPBank cũng khó có thể diễn biến tích cực.

Chỉ sau 3 phiên giao dịch, cổ phiếu TPBank đã giảm từ mức giá khởi điểm 32.000 đồng xuống còn 30.800 đồng/cổ phiếu. Việc cổ phiếu chào sàn không thể tăng giá mà còn quay đầu giảm giá cho thấy tín hiệu xấu trong mắt các nhà đầu tư.

Câu chuyện lên sàn “không gặp thời” của TPBank không phải trường hợp cá biệt.

Chỉ trong quý đầu tiên của năm, thị trường đã đón nhận 5 đợt IPO doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - mã OIL), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power - mã POW), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) và Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3 - mã PGV), với tổng vốn điều lệ lên đến 125.000 tỷ đồng.

Trong đó, 3 đợt chào bán của BSR, OIL, POW ghi nhận thành công ngoài dự kiến, mang về cho nhà nước số tiền thặng dư lên đến 16.700 tỷ đồng. Giá trúng bình quân tại BSR và PV OIL cao hơn lần lượt 42,5 % và 50,7% so với giá khởi điểm.

Mặc dù vậy, cả 3 cổ phiếu ngành dầu khí kể trên đều giảm giá sau khi lên sàn. Cổ phiếu BSR sau khi tăng trần trong phiên giao dịch đầu tiên lên mức 31.300 đồng, hiện chỉ còn 21.300 đồng, tương đương giảm 40% giá trị sau chưa đầy 2 tháng.

Cũng trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu OIL, giảm một mạch 33% sau khi lên sàn, từ 24.200 đồng xuống chỉ còn 16.200 đồng. Cổ phiếu POW cũng giảm 28%, từ 17.800 đồng khi chào sàn xuống còn 13.800 đồng.

Giá các cổ phiếu này đều đã thấp hơn giá bình quân khi IPO khiến cho những nhà đầu tư mua cổ phần khi đấu giá trở thành những người mua đắt và đang chịu khoản lỗ tạm thời.

Nhà đầu tư đánh giá rất tích cực các cổ phiếu ngành dầu khí vào thời điểm cuối năm 2017, tuy nhiên khi BSR hay OIL và POW lên sàn vào tháng 3/2018, thị trường chứng khoán đã diễn biến theo chiều hướng hoàn toàn khác.

Trước khi bước vào giai đoạn thoái trào hiện tại, cổ phiếu dầu khí và ngân hàng là hai nhóm cổ phiếu chính dẫn dắt thị trường trong gần 1 năm qua và mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên thời điểm niêm yết cổ phiếu không thuận lợi như năm 2017 đã khiến thành công của các đợt IPO gần đây bị lu mờ và nhà đầu tư phải đối mặt với khó khăn.

Thị trường đã trải qua năm 2017 với những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ như quy mô vốn hóa tăng 80% so với năm 2016, các chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng tương ứng 48% và 46%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua.

Sau hơn 1 năm tăng liên tục mà không có đợt điều chỉnh lớn nào, thị trường năm 2018 đã gập ghềnh hơn nhiều. Sau cú vượt đỉnh lịch sử 1.170 điểm, thị trường đã xuất hiện những phiên điều chỉnh với mức giảm điểm mạnh mẽ, có khi lên tới trên 40 điểm như trong 3 phiên giao dịch gần đây. “Bóng đen” dường như đang che phủ lên các đợt IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hồi đầu năm nay, Công ty chứng khoán Rồng Việt đã đưa ra nhận định, các thương vụ IPO diễn ra trong năm nay có thể bị ảnh hưởng từ những biến động mạnh của thị trường. Kể từ quý 4/2017, mức độ biến động trong ngày của thị trường đang dao động với biên độ ngày càng lớn hơn.

Hai yếu tố trên không chỉ khiến các đợt IPO từ đầu năm đến kém thành công, mà còn ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp chuẩn bị IPO và lên sàn thời gian tới.

Techcombank, một trong những ngân hàng thành công nhất Việt Nam, sắp có thương vụ IPO lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt trị giá 922 triệu USD.

Tuy nhiên, sau đợt bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng vài ngày qua, giá cổ phiếu Techcombank giao dịch trên thị trường OTC đã giảm từ trên 120.000 đồng/cổ phiếu xuống quanh mức 113.000 - 115.000 đồng/cổ phiếu. Techcombank dự kiến sẽ lên sàn vào tháng 6 này.

Cùng với Techcombank, còn hàng loạt các doanh nghiệp cũng có kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu như Thaco, Cenland, Hải Phát.