Chứng khoán ngày 30/5: Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, khối lượng giao dịch lại trở thành vấn đề

Ngọc Chi - 19:07, 30/05/2018

TheLEADERKhông còn đồng lòng tăng giá như hôm qua, cổ phiếu ngân hàng đã phân hóa vào hôm nay khiến VN-Index thiếu trụ đỡ mạnh.

HOSE - Cổ phiếu ngân hàng phân hóa

Bước vào phiên giao dịch hôm nay, áp lực bán ra lại gia tăng trở lại. Sắc đỏ nhanh chóng chiếm ưu thế. Chỉ số VN-Index lao dốc về mức thấp nhất trong ngày 932,26 điểm, giảm tới 20 điểm tuyệt đối (-2,06%) so với tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tại đáy này, lực nâng đỡ mạnh dần lên khi một số mã lớn có sự cải thiện trên biểu đồ giá và vọt lên sắc xanh của nhiều cổ phiếu ngân hàng. VN-Index đi lên trở lại gần mốc tham chiếu vào giờ nghỉ trưa và tạm dừng tại 951,59 điểm, chỉ còn giảm 0,06% so với tham chiếu.

Ba cổ phiếu ngân hàng tạo trụ nâng đỡ chắn chắn cho chỉ số chính từ sớm là VCB tăng 5,2%; VPB tăng 6,3% (gần trưa có thời điểm đạt mức tăng trần); HDB tăng 6,4%. Còn lại các cổ phiếu ngân hàng khác cũng kịp đảo chiều và chuyển sắc xanh gồm CTG tăng 1,3%, BID tăng 2,7%; MBB tăng 0,2%; STB đứng giá.

Top 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn sáng nay, ngoài các mã ngân hàng trên tăng giá thì chỉ còn SAB tăng nhẹ 0,4%. Còn lại đều giảm giá gồm VHM giảm 0,9%; VIC giảm 0,8%; VNM giảm 0,9%; VRE giảm 1,2%; MSN giảm 2,5%; GAS giảm 4,7% (có thời điểm đã rớt sàn).

Cứ ngỡ đà hồi phục khá tốt phiên sáng sẽ tạo nên diễn biến tươi sáng hơn cho VN-Index vào buổi chiều thì áp lực bán ra lại chiếm ưu thế hơn và tình trạng khớp lệnh vẫn rất chậm. VN-Index tụt nhẹ trở lại và nhịp vớt đáy sau đó đều không đáng kể. Cho đến hết phiên, chỉ số này vẫn chưa leo trở lại mốc tham chiếu và đóng cửa tại mức 948,5 điểm, giảm 3,68 điểm (-0,39%).

Chứng khoán ngày 30/5: Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, khối lượng giao dịch lại trở thành vấn đề

Một trong những điều đáng lo nhất của thị trường hôm nay là khối lượng giao dịch tiếp tục giảm mạnh 20% so với hôm qua, đạt 146 triệu đơn vị, mức thấp nhất trong 1 tuần qua, tương ứng với 4,6 nghìn tỷ đồng. Dường như những động thái trấn an từ lãnh đạo SSC và HOSE vẫn chưa có nhiều tác dụng tới tâm lý nhà đầu tư.

Chốt phiên có 116 mã tăng giá, 150 mã giảm giá và 63 mã đứng giá. Trong đó, có 11 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn.

GAS (giảm sàn) và VNM (-1,84%) là 2 mã tạo gánh nặng nhiều nhất cho chỉ số VN-Index hôm nay khi cướp đi lần lượt 4,25 điểm và 1,5 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đến chiều đã phân hóa khá mạnh khi không còn giữ được sự tăng đồng loạt như sáng. Cổ phiếu tăng giá gồm VCB tăng 4% (tương ứng với việc góp phần nhiều nhất cho chỉ số chính tới 2,4 điểm ảnh hưởng); VPB tăng 4,1%; HDB tăng 4,71%. Phía ngược lại gồm CTG giảm 1,54%; MBB giảm 1,96%; STB giảm 0,86%; EIB giảm 1,03%; TPB giảm 0,35%. Riêng BID đứng giá.

Cặp đôi quyền lực VHM-VIC đã tăng giá trở lại vào hôm nay lần lượt 0,86% và 0,91%, tương ứng với việc góp vào chỉ số chính 0,89 điểm và 0,88 điểm ảnh hưởng. Trong khi ‘người anh em’ khá theo nhịp điệu của thị trường khi giảm 2,33%.

Về khối lượng giao dịch, mã HPG (+1,54%) với hơn 6,3 triệu đơn vị dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là SSI (+1,87%) với 5,76 triệu đơn vị và VPB (+4,1%) đạt hơn 4,84 triệu đơn vị.

Cổ phiếu VPB đã tăng giá khá mạnh và khối lượng giao dịch cũng nằm trong top 3 của sàn trong 2 phiên vừa qua. Thông tin ngoài lề hôm qua cho biết bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPB đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu của VPBank từ ngày 4/6 đến 3/7 theo phương thức khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Minh sẽ nâng sở hữu từ 4,324% lên 4,642% vốn điều lệ VPBank.

HPG dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,4 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là VCI, SSI, MSN.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là HDB với 3,66 triệu đơn vị. Theo sau là VHM, DPM, MSN.

Trong phiên giao dịch hôm nay, 8 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó.

Cụ thể, CDO (CTCP Tư vấn Thiết kế và phát triển đô thị) tăng 8 lần, VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) tăng 7,4 lần, TDC (CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương) tăng 6,6 lần, PGD (CTCP Phân phối khí Thấp áp Dầu khí VN) tăng 5,3 lần.

DIC (CTCP Đầu tư và Thương mại DIC) tăng 4,7 lần, KSH (CTCP Đầu tư và Phát triển KSH) tăng 4,6 lần, VNE (CTCP Xây dựng điện VN) tăng 4,1 lần, PXI (CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí) tăng 4 lần.

Đối với cổ phiếu CDO, hôm qua, HOSE đã có quyết định đưa cổ phiếu này vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 4/6/2018. Nguyên nhân khiến CDO bị tạm ngừng giao dịch do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường, sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư hoặc đảm bảo ổn định của thị trường chứng khoán.

TDC tăng trần vào hôm nay và khối lượng tăng mạnh khi CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa có văn bản giải trình những thông tin liên quan đến Dự án Khu đô thị Mỹ Phước 4. 

TDC khẳng định, đã bàn giao đất 100% cho khách hàng. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Công ty đã thực hiện được 90% ra sổ cho khách hàng, số còn lại sẽ hoàn tất trước 30/9/2018. Theo TDC, những thông tin đăng tải trên trang tin điện tử gần đây là sai sự thật.

Thêm nữa, đối với trường hợp khách hàng Nguyễn Phi Long mua đất tại vị trí Lô F-01 thuộc Dự án Khu dân cư ấp 5C Làng đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), Công ty TDC cho biết, đã bàn giao sổ hồng cho khách hàng. Vì vậy, những thông tin truyền thông đã đưa tin về việc chưa bàn giao sổ hồng cho khách hàng Nguyễn Phi Long là không chính xác.

HNX - Thiếu trụ đỡ mạnh

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc xuống dưới mốc tham chiếu sau khi mở cửa. Sau hơn 1 tiếng giao dịch, chỉ số này đạt mức thấp nhất trong ngày tại mức 111,22 điểm (-1,48%).

Tại đáy này, lực cầu trở lại khiến HNX-Index leo lên giá tham chiếu vào gần giờ nghỉ trưa và tạm nghỉ 113,15 điểm (+0,23%).

Cú vớt đáy thành công của chỉ số chính sáng đã có sự góp phần lớn từ bộ đôi cổ phiếu ngân hàng SHB và ACB khi lần lượt 2,2% và 0,3%.

Đến chiều, diễn biến của HNX-Index bất ngờ xấu đi khi liên tục giảm điểm. Cho đến hết phiên, chỉ số này đóng cửa tại mức 111,7 điểm, giảm 1,19 điểm (-1,05%).

Chứng khoán ngày 30/5: Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, khối lượng giao dịch lại trở thành vấn đề 1

Khối lượng giao dịch giảm tiếp 21% so với phiên trước, đạt hơn 39,47 triệu đơn vị, tương ứng 0,5 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 73 mã tăng giá, 76 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

ACB (-2,29%) là mã chứng khoán tạo gánh nặng lớn nhất cho HNX-Index hôm nay với -0,53 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 20 mã tăng giá kịch trần, 8 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, DST (-2%) dẫn đầu sàn khi đạt 8,6 triệu đơn vị. SHB (-1,11%) theo sau với 5,7 triệu đơn vị, ACB (-2,29%) đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, VCG là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 270,6 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là VGC với 734,1 nghìn đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, 2 mã có khối lượng giao dịch đột biến hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó gồm DST, NDN.