Chứng khoán ngày 4/4: Cặp VIC và VNM làm trụ đỡ VN-Index

Ngọc Chi - 19:28, 04/04/2018

TheLEADERTiếp tục trụ vững cho đến hết phiên, 2 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn là VIC và VNM, tạo lực nâng đỡ mạnh nhất cho VN-Index với việc tăng giá lần lượt 4,25% và 3,25%, tương ứng với 5,045 điểm và 3,363 điểm ảnh hưởng.

HOSE - Trụ đỡ tập trung chủ yếu ở VIC và VNM

Vào phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index đã lỡ mất mốc 1.200 điểm một cách đáng tiếc, dù đã có sự giúp đỡ mạnh từ VIC, GAS và sự trở lại nhóm ngân hàng, tuy nhiên lại vấp phải sự kìm hãm của mã chứng khoán có vốn hóa lớn thứ 2 sàn là VNM.

Sáng nay, ngay từ đợt xác định giá mở cửa, lệnh mua bán nạp vào hệ thống tại nhiều trụ lớn đã ở mức giá cao, khiến VN-Index quay lại trên mốc 1.190 điểm và tăng 0,5%.

Tuy nhiên, chỉ số VN-Index thực sự thăng hoa sau khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Với sự tăng giá nhanh của VIC, VNM, và nhóm cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, VN-Index nhanh chóng chạm mức 1.200 điểm chỉ 5 phút sau đó. 

Dường như, lần đầu đối diện với mốc tròn điểm lịch sự này cũng khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên lung lay, áp lực chốt lời nhẹ xuất hiện khiến VN-Index lùi lại về gần giá mở cửa.

Sau 15 phút lấy lại bình tĩnh, chỉ số này một lần nữa chinh phục mốc 1.200 điểm. Nhưng cũng không trụ lâu tại ngưỡng kháng cự này, VN-Index lần này lùi lại sâu hơn, chịu áp lực chốt lời mạnh. Đặt biệt ở một số cổ phiếu ngành ngân hàng lớn như BID, VCB, CTG. Điều này đã khiến chỉ số này tạo đáy thấp nhất trong buổi sáng, ở mức 1.194,1 điểm.

Dường như đã đuối sức sau 2 lần thử thách ở mốc tròn điểm lịch sử, với lần bắt đáy này, VN-Index chỉ đủ lực leo lên được hơn 3 điểm tuyệt đối, sau đó, tạm nghỉ trưa ở mức 1.196,2 điểm (+0,67%).

Lực đẩy chủ yếu tập trung vào 2 trụ lớn nhất sàn là VNM VIC. Sau 5 phiên giảm điểm liên tục, rớt tới 9,06%, cổ phiếu VNM đã mất đi vị trí trong danh sách mã chứng khoán có thị giá trên 200.000 đồng/1 cổ phiếu, đến sáng nay, cổ phiếu này đã tăng trở lại, lên 1,08%. Cùng với VIC tăng 4,25%.

Thêm nữa, sắc xanh chiếm đa số cũng đã giúp không ít vào thành tích của VN-Index.

Nhóm ngân hàng chỉ kịp đồng lòng được lúc đầu phiên sáng, giúp chỉ số VN-Index leo đỉnh, nhưng đến trưa, thì nhóm cổ phiếu này đã dần phân hóa khi HDB tăng 1,32%, VPB tăng 0,15% và MBB tăng 0,95%. VCB, CTG dừng ở mức tham chiếu còn STB giảm 0,32%, BID giảm 0,11%.

Chứng khoán 4/4: Trụ đỡ VN-Index tập trung ở VIC và VNM

Đến phiên chiều, trụ nâng đỡ còn yếu hơn khi VN-Index liên tục bị đẩy lùi về gần mức 1.190,9 điểm. Dường như mất đi sự giúp đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến chỉ số này khó vớt đáy thành công, đành chao đảo liên tục cho đến khi đóng cửa tại mức 1.191,54 điểm, tăng 3,25 điểm (+0,27%).

Thanh khoản giảm nhẹ, khối lượng giao dịch đạt 238,7 triệu đơn vị, tương ứng với 8,55 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch, trong đó, 30% qua con đường thỏa thuận.

Chốt phiên có 167 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 44 mã đứng giá. Trong đó, có 18 mã tăng trần và 6 mã giảm sàn.

Tiếp tục trụ vững cho đến hết phiên, 2 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn là VIC VNM, tạo lực nâng đỡ mạnh nhất cho VN-Index với việc tăng giá lần lượt 4,25% và 3,25%, tương ứng với 5,045 điểm và 3,363 điểm ảnh hưởng. Trong đó, VNM đã thành công quay lại danh sách cổ phiếu có thị giá từ 200.000 đồng/1 cổ phiếu trở lên.

Ở chiều ngược lại, tạo gánh nặng lớn nhất cho VN-Index là GAS (-2,26%) và MSN (-2,66%) lần lượt góp -2,11 điểm và -1,28 điểm ảnh hưởng.

Cổ phiếu GAS đã có mức tăng khá vào sáng nay, tuy nhiên, vừa vào phiên chiều, GAS đã đổi màu đỏ và liên tục đào sâu. Diễn biến trên biểu đồ giá của MSN cũng gần tương tự với GAS, nhưng MSN chuyển màu sớm hơn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo lực cản mạnh hơn vào phiên chiều, đến khi đóng cửa, ngoài HDB tăng 1,97% và EIB tăng 1,38% thì các mã còn lại đều giảm khá gồm VCB giảm -1,08%, BID giảm -0,67%, CTG giảm -1,1%, VPB giảm -0,29%, MBB giảm -0,55%, STB giảm -0,64%.

Về khối lượng giao dịch, mã SCR (-1,43%) với lượng giao dịch đạt 9,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là ASM (+2,48%) với 8,46 triệu đơn vị và KBC (+2,84%) đạt gần 8,17 triệu đơn vị.

Trong khi, CTG dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 5 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là BID, KBC, HDB.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất vẫn là CTG với 5 triệu đơn vị. Theo sau là BID, MBB, DXG.

Trong phiên giao dịch hôm nay, có 7 mã có khối lượng giao dịch đột biến tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó.

Cụ thể, TYA (CTCP Dây và Cáp điện Taya VN) tăng 15,5 lần, VIP (CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO) tăng 14,7 lần, TVS (CTCP Chứng khoán Thiên Việt) tăng 9,8 lần, CNG (CTCP CNG Việt Nam) tăng 7,2 lần.

HTT (CTCP Thương mại Hà Tây) tăng 7,1 lần, VDS (CTCP Chứng khoán Rồng Việt) tăng 6,6 lần, CEE (CTCP Xây dựng Hạ tầng CII) tăng 5,9 lần.

HNX – Thanh khoản tiếp tục tăng

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngay từ đợt xác định giá mở cửa, chỉ số HNX-Index đã tăng mạnh lên 0,6%.

Tuy nhiên, chỉ số này nhanh chóng bị đẩy xuống khi trụ đỡ yếu dần. Đến giờ nghỉ trưa, ACB tăng 0,61%, VCS tăng 6,82% (giao dịch không hưởng quyền) và VCG tăng 2,08%. Ngược lại SHB giảm 0,75%, VGC giảm 1,15%, PVS giảm 3,33%.

Đến chiều, chỉ số này vẫn tiếp tục giảm mạnh hơn về sát mức tham chiếu, trượt dần cho đến lúc đóng cửa tại mức 135,32 điểm, giảm 0,3 điểm (-0,22%).

Chứng khoán 4/4: Trụ đỡ VN-Index tập trung ở VIC và VNM 1

Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng hơn 14%, hơn 64,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 1,18 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 86 mã tăng giá, 91 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.

VCS (+7,2%) trở thành trụ nâng đỡ mạnh nhất chỉ số HNX-Index hôm nay khi góp tới 0,441 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 15 mã tăng giá kịch trần, 6 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, SHB dẫn đầu khi đạt gần 8,9 triệu đơn vị. PVS (-6,19%) theo sau với 7,64 triệu đơn vị, HUT (+8,6%) đạt gần 6,9 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, KLF là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 399,3 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất vẫn là VGC với 1,4 triệu đơn vị.

Trong phiên có 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 phiên trước đó gồm PHC, DS3, TIG.